Độ tương phản
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND nay là Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tính đến hết ngày 30/10/2024, toàn tỉnh đã có 34 dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai, trong đó có 16 dự án chăn nuôi, 15 dự án trồng trọt, 3 dự án dược liệu với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng.
Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới), tính đến ngày 31/10/2024, trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện 110 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có 64 dự án mô hình liên kết thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 30 dự án mô hình liên kết thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và 16 mô hình, dự án thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí được phê duyệt thực hiện gần 120 tỷ đồng, với 4.400 hộ dân được hưởng lợi.
Sản phẩm nghệ qua chế biến, đóng gói của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn)
Một số dự án điển hình như: Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn thịt của Hợp tác xã Hà Anh, huyện Bạch Thông; Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thảo dược của Hợp tác xã Thiên An, huyện Bạch Thông; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt thương phẩm của Hợp tác xã Huy Ngọc, huyện Ngân Sơn; Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chè Shan tuyết, huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng; Dự án liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo bao thai Chợ Đồn của Hợp tác xã Hồng Luân; Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây do Hợp tác xã Bình Minh làm chủ trì liên kết, thực hiện trên địa bàn huyện Na Rì; Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nghệ Bắc Kạn của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành...
Thông qua việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, qua đó đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như các vùng sản xuất dong riềng, vùng sản xuất bí xanh thơm, vùng sản xuất nguyên liệu tinh bột nghệ, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, sản xuất cây ăn quả tập trung, chăn nuôi lợn, gà theo hướng tập trung, phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 1 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Bắc Kạn); 28/95 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 80 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 221 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm OCOP 5 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 199 sản phẩm OCOP 3 sao.
Tuy nhiên, qua sơ kết đánh giá, việc liên kết sản xuất mới chỉ dừng lại ở mức liên kết của các nhà sản xuất, kinh doanh có điều kiện kinh tế và quy mô sản xuất lớn, sự liên kết chưa được ổn định và duy trì phát triển, nhiều mô hình liên kết tồn tại trong thời gian ngắn, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh; mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều, giá trị gia tăng chưa cao. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất tại nhiều địa phương vẫn trong tình trạng tự phát, phân tán, tận dụng, quy mô nhỏ lẻ rất hạn chế về sự liên kết để tạo ra khu vực sản xuất lớn, tập trung. Phần lớn nông sản hiện nay đều được bán dưới dạng thô nên giá trị sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ không ổn định...
Vì vậy, mong muốn của các đơn vị, hợp tác xã là tỉnh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO,.... Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm tạo động lực mới để chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp nhằm phát triển hợp tác xã kiểu mới với các phương thức, quy mô hoạt động gắn với trình độ phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối cung cầu theo chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương…/.
MTTQ các cấp tập trung hỗ trợ hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán (01/01/2025)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững (01/01/2025)
Chợ Đồn tập trung triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo (26/11/2024)
Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh (24/11/2024)
Tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo (17/10/2024)