Độ tương phản
Triển vọng mờ nhạt
Cuộc xung đột ở Ukraine được dự báo sẽ chưa thể kết thúc vào năm 2023 cùng với nhận định từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley rằng, khó có khả năng Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trong năm nay.
Nga đã tuyên bố sẽ theo đuổi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho tới khi nào hoàn thành các mục tiêu mà Tổng thống V.Putin đề ra và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện tiên quyết nào với Ukraine. Trong khi đó, với mục tiêu không để Ukraine thua, phương Tây đã đáp lại thỉnh cầu của Kiev và hỗ trợ vũ khí để nước này tiếp tục chiến đấu. Nhờ sự hỗ trợ liên tục và quan trọng đó từ Mỹ và các nước phương Tây, Kiev vẫn có thể trụ vững sau gần một năm chiến tranh không cân sức với Nga.
Tháng 12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột nhưng Kiev và phương Tây đã bác bỏ khả năng này. Thậm chí, Giám đốc CIA William Burns còn cho rằng, trong khi hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc trên bàn đàm phán thì những đánh giá của CIA cho thấy "Nga chưa nghiêm túc về những cuộc đàm phán thực sự".
Trong năm 2022, Nga và Ukraine đã nhiều lần đàm phán song cũng không mang lại kết quả. Thực tế hiện nay cho thấy, hầu như có rất ít khả năng các bên tham gia đàm phán, mà nếu có, cũng khó mang lại giải pháp chấm dứt xung đột. Mọi ưu thế trên thực địa – nếu có, sẽ được thiết lập thông qua quân sự. Chính vì thế, triển vọng chấm dứt cuộc xung đột Ukraine trong năm 2023 vẫn chỉ là một triển vọng mờ nhạt.
Chiến sự có thể sớm tăng nhiệt trở lại
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc về những nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ ra rằng, tình hình Ukraine sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của Liên hợp quốc khi ngày kỷ niệm một năm xung đột Nga - Ukraine đang đến gần.
Bày tỏ lo ngại về tình hình chiến sự, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng chỉ ra thực tế rằng, triển vọng hòa bình đang giảm dần, trong khi nguy cơ leo thang hơn nữa và đổ máu cứ tiếp tục gia tăng.
Theo nguồn tin tình báo cấp cao Ukraine, Nga có thể huy động thêm 500.000 quân trong vài tháng tới để mở chiến dịch mới, tín hiệu cho thấy chiến sự có thể sớm tăng nhiệt lại. Từ tháng 9/2022, Nga đã ra lệnh động viên một phần. Việc tăng cường lực lượng giúp quân đội Nga phòng thủ hiệu quả hơn và nối lại các chiến dịch tấn công. Theo các nguồn tin, lực lượng bổ sung của Nga có khoảng 150.000 - 200.000 binh lính đang trải qua huấn luyện và sẽ tham gia vào các cuộc giao tranh ở Ukraine trong tương lai gần.
Ngày 6/2/2022, Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Vadym Skibitskyi dự báo: "Nga sẽ huy động tới 500.000 quân để mở chiến dịch tấn công ở miền Đông và Nam Ukraine vào xuân hè 2023 nhằm bổ sung cho 300.000 người huy động vào tháng 10/2022”.
Ông Skibitskyi cho biết đợt huy động mới của Nga sẽ kéo dài khoảng 2 tháng, với các đợt tấn công có thể diễn ra ở tỉnh Donetsk, Lugansk và Zaporizhzhia, trong khi duy trì thế phòng thủ tại Kherson và Crimea.
Hiện nay, giới lãnh đạo Ukraine dự đoán, Nga sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công mới ở Donbass và các khu vực phía Nam Ukraine trước khi các xe tăng hạng nặng cũng như vũ khí tiên tiến từ phương Tây được chuyển giao cho Kiev.
Vai trò can dự của NATO càng khiến tình hình chiến sự trở nên “khó đoán”
Trong thời gian trở lại đây, Nga đã phát thông điệp cảnh báo rằng, việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine đang đẩy NATO vào chiến sự và động thái này sẽ khiến tình hình "leo thang khó đoán".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói: "Mỹ và đồng minh đang cố kéo dài xung đột lâu nhất có thể… Để làm vậy, họ chuyển vũ khí tấn công hạng nặng và công khai kêu gọi Ukraine chiếm giữ các vùng lãnh thổ của chúng tôi. Những hành động này đang kéo NATO vào xung đột và nguy cơ dẫn đến một mức độ leo thang khó đoán".
Đề cập tới tình hình thực địa, ông Shoigu cho biết các lực lượng Nga "đang có tiến triển với thắng lợi" ở các khu vực quanh thành phố Bakhmut và Ugledar, tỉnh Donetsk.
Ngày 5/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình ở Donetsk "rất khó khăn", với nhiều trận đánh ác liệt đang diễn ra, trong khi Bakhmut, Ugledar và các khu vực khác bị tấn công liên tục. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng Nga đang tăng áp lực trên hướng Donetsk nhằm giành kết quả trước thời điểm tròn một năm chiến sự.
Ukraine cho rằng, trước tình huống trên, việc trang bị cho nước này các loại vũ khí là rất cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, đồng thời giúp Ukraine tăng cường hỏa lực trước nguy cơ phải đối mặt với một cuộc tấn công mùa Xuân từ Moscow.
Cần hành động để chấm dứt xung đột
Theo số liệu từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) công bố vào tháng 1/2023, đã có 18.096 dân thường thương vong (6.952 người thiệt mạng và 11.144 người bị thương) kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2/2022.
Xung đột kéo dài tại Ukraine đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có khoảng 7,9 triệu người đang tìm kiếm chốn dung thân ở các nước châu Âu. Trong khi đó, ở ngay tại đất nước Ukraine, có khoảng 5,91 triệu người, 65% trong số họ là phụ nữ và trẻ em gái phải sống tị nạn.
Việc phá hủy và đóng cửa trường học do xung đột tại Ukraine cũng được dự báo sẽ có tác động lâu dài đến trẻ em và thanh thiếu niên. Ước tính có khoảng 5,7 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học đã bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 3,6 triệu trẻ nghỉ học do các cơ sở giáo dục phải đóng cửa sớm.
Ngay từ khi nổ ra vào tháng 2/2022, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã được ví như một cơn địa chấn địa chính trị làm rung chuyển thế giới. Ở thời điểm hiện tại, cuộc xung đột vẫn chưa biết đến bao giờ kết thúc, song thế giới đã trải qua nhiều đổi thay. Cuộc xung đột Ukraine giờ không còn là vấn đề mang tính cục bộ mà đã nhanh chóng được đẩy lên phạm vi toàn cầu khi ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống con người, từ chính trị, quân sự, cho tới an ninh, kinh tế, ngoại giao...
Đối với Nga và Ukraine, dù cuộc chiến có kết thúc như thế nào đi nữa cũng đều để lại những tổn thất cho cả đôi bên. Tuy nhiên, bên cạnh những tổn thất có thể đo đếm được, chiến tranh luôn để lại những vết sẹo vô hình, đó là những nỗi ám ảnh về tâm lý, những mất mát mà không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Ngay cả khi cuộc xung đột đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán thì có một thực tế chắc chắn rằng, cả Nga, Ukraine và cộng đồng thế giới đều không mong muốn cuộc chiến này kéo dài vô tận. Đó cũng chính là thông điệp mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh, sẵn sàng hỗ trợ các bên chấm dứt xung đột trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế./.
Thế giới năm 2024: Những điểm sáng giữa muôn vàn sóng gió (03/01/2025)
Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hòa bình và vượt qua sự chia rẽ (01/01/2025)
Biến 2025 thành một "khởi đầu mới" cho tương lai tốt đẹp hơn (01/01/2025)
Quan hệ Mỹ - Panama căng thẳng vì tranh cãi phí qua kênh đào (23/12/2024)
Cơ chế hoạt động của vaccine ngừa ung thư Enteromix của Nga (21/12/2024)