PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/08/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ba Bể phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng
Với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đặc biệt là các loại cây đặc sản phục vụ khách du lịch đến với địa phương, huyện Ba Bể đã định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đến du lịch hồ Ba Bể, các du khách dừng chân tại những Homestay gần Hồ sẽ được trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa đặc sắc, con người mến khách nơi đây.
(Ảnh: Du khách dừng chân tại Homestay được thử khoác lên mình trang phục của người dân tộc bản địa)

Huyện Ba Bể có danh lam thắng cảnh Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể - đây là lợi thế, tiềm năng cho phát triển du lịch, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đặc biệt là các loại cây đặc sản phục vụ khách du lịch đến với địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài huyện.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Ba Bể nói riêng chủ trương kêu gọi đầu tư vào du lịch, đồng thời ban hành nhiều chính sách định hướng, khuyến khích phát triển lâu dài ngành du lịch. Đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư vào du lịch Ba Bể, như Công ty du lịch Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch GREENCANAL Việt Nam, Tập đoàn FLC… Ngoài ra, du lịch cộng đồng, mô hình homstay phát triển mạnh dọc ven hồ Ba Bể; các dịch vụ đưa đón, hướng dẫn tham quan vùng hồ Ba Bể tạo nên một thị trường du lịch nhộn nhịp. Đến năm 2019, lượng khách du lịch đến Ba Bể đạt hơn 85 nghìn lượt, doanh thu phí danh lam thắng cảnh đạt hơn 3 tỷ đồng.

Song song với việc phát triển du lịch, UBND huyện Ba Bể luôn quan tâm thúc đẩy thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP). Sau 3 năm triển khai thực hiện, huyện Ba Bể đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao, gồm: Thịt trâu khô Ba Bể, trà giảo cổ lam, chuối sấy dẻo của Hợp tác xã (HTX) Hoàng Huynh; rau bồ khai Ba Bể của HTX Sang Hà; lạp sườn gác bếp, khẩu mẩy vùng cao, bí xanh thơm, trà giảo cổ lam của HTX Nhung Lũy; rượu suối nguồn Nà Hai của HTX Phúc Ba; trà Lê Hà của HTX Chè Mỹ Phương; bí xanh thơm của HTX Thanh Đức; bí xanh Ba Bể, gạo nếp Tài của HTX Yến Dương; miến dong Triệu Thị Tá của cơ sở sản xuất Hoàng Thị Mười; đàn tính của cơ sở sản xuất Ma Trung Trực; thịt chua, tép chua, mắm tép trưng thịt của tổ hợp tác Hoàng Thị Hương. 

Từ những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, cùng những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình OCOP, huyện Ba Bể đã xác định phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại địa phương trong thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã xác định hai chương trình trọng tâm của huyện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch trên địa bàn; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 10 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, thu hút 200 nghìn lượt khách du lịch trở lên, trong đó 80% khách nội địa và 20% khách quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Ba Bể xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Xây dựng từ 1 - 2 làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống của địa phương. Phát triển các loại cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản có thế mạnh của địa phương để trở thành điểm nhấn phục vụ cho các hoạt động tham quan trải nghiệm, thu hút khách du lịch.

Để thực hiện mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, huyện Ba Bể xác định công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương…

Huyện cũng nghiên cứu xây dựng tuor, tuyến du lịch có tiềm năng, quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nguồn vốn phát triển du lịch do huyện quản lý nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các nhà hàng, khách sạn xung quanh khu vực hồ Ba Bể mở gian hàng nông sản mà chủ yếu là sản phẩm nông sản thực phẩm OCOP, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách thập phương.

Nếu không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động trải nghiệm tại những vườn bí xanh thơm Ba Bể
được tổ chức chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến địa phương

Huyện Ba Bể chủ trương tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản sạch, sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch ngay tại khu vực hồ Ba Bể trong những ngày lễ để du khách có không gian trải nghiệm ẩm thực, văn hóa, con người… Thực tế năm 2019, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, UBND huyện Ba Bể đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức thành công chương trình “Không gian Ba Bể - Miền quê” với nhiều hoạt động sinh động và phong phú, góp quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, ẩm thực, du lịch và giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP đặc trưng tỉnh Bắc Kạn nói chung, huyện Ba Bể nói riêng trên con đường hội nhập và phát triển. Năm 2021, với việc thực hiện được trên 120 ha bí xanh thơm - đây là sản phẩm đặc sản được của huyện (sản phẩm bí xanh thơm của HTX Thanh Đức, HTX Nhung Lũy và HTX Yến Dương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh) đang được thị trường ưa chuộng, huyện Ba Bể dự định tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm tại những vườn bí xanh mùa thu hoạch nhưng do dịch Covid-19 không thực hiện được.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời hoạt động du lịch góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó, việc quan tâm đầu tư, tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững./.

Hương Dịu