PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Pác Nặm triển khai nhiều dự án liên kết sản xuất
Năm 2024 - 2025, huyện Pác Nặm tiếp tục triển khai nhiều dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp cho người dân huyện nghèo vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Pác Nặm đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, trở thành hộ có thu nhập khá. Hiện nay, tổng đàn đại gia súc trên địa bàn huyện có trên 12.900 con, trong đó, đàn bò có trên 5.500 con; đàn ngựa có 420 con; đàn dê có 2.586 con.

Để phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, huyện tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn; xây dựng chuồng chăn nuôi kiên cố; triển khai tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc cho gia súc. Huyện đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án và các nguồn vốn vay để hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế ngay tại địa phương.

Năm 2024 - 2025, huyện triển khai một số dự án liên kết sản xuất trong chăn nuôi nhằm xây dựng được chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng sản xuất, tạo ra một liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho các đối tượng tham gia liên kết; đồng thời góp phần xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa chăn nuôi tập trung, bền vững, tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Trong đó, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dê địa phương thương phẩm do Hợp tác xã Đồng tâm 686 chủ trì liên kết với 21 hộ dân tham gia liên kết ứng với 7 tổ hợp tác chăn nuôi tập trung nuôi tại xã Bộc Bố, Xuân La, trong đó cơ bản là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Quy mô thực hiện dự án liên kết sản xuất 1.400 con/2 chu kỳ và có ký kết bao tiêu sản phẩm.

Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2,076 tỷ đồng, kinh phí đối ứng hơn 548 triệu đồng. Nội dung thực hiện bao gồm hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết như tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường; hỗ trợ giống dê địa phương, thức ăn hỗn hợp.

Dự án được triển khai sẽ tạo công ăn việc làm cho các hộ liên kết tại địa phương trong việc chăn nuôi dê, đồng thời hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi dê khép kín trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo tiền đề cho việc xây dựng vùng hàng hóa cung cấp sản phẩm dê chất lượng tại Bắc Kạn. Với số lượng 700 con dê thương phẩm/chu kỳ, đây là nguồn thực phẩm để cung cấp cho các đối tác của hợp tác xã, các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh lân cận. Dự án triển khai sẽ mang lại nguồn thu nhập cho 21 hộ tham gia dự án và những hộ khác liên kết trong quá trình chăn nuôi; ngoài ra còn giúp cho khoảng 3/4 hộ nghèo tham gia dự án từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc, thu hẹp khoảng cách thu nhập bình quân của địa phương so với mặt bằng chung của các địa phương còn lại.


Nghiên Loan có chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc, việc triển khai dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm bò vàng sinh sản
có triển vọng phát triển kinh tế cho người dân địa phương (Ảnh: Chợ trâu bò Nghiên Loan, Pác Nặm)

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng trên địa bàn đã có bước phát triển. Trước đây chăn nuôi trâu, bò nhằm mục đích cày kéo và lấy phân hữu cơ bón ruộng. Hiện nay, khâu làm đất trong sản xuất nông nghiệp cơ bản được cơ giới hóa, sức kéo của trâu, bò chỉ hỗ trợ một phần nhỏ, chăn nuôi kiểu cũ không còn phù hợp. Bởi vậy, những năm gần đây, bà con nông dân chuyển mạnh sang chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, kết hợp chăn nuôi cày kéo kết hợp với sinh sản, chăn nuôi theo phương thức này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, Nghiên Loan còn được biết đến là nơi có chợ trâu, bò lớn nhất khu vực miền Bắc - đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án chăn nuôi trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, huyện Pác Nặm lựa chọn triển khai dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò vàng sinh sản do Hợp tác xã Nghiên Loan chủ trì liên kết với 24 hộ dân tham gia trong đó 6 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, 2 hộ mới thoát nghèo... Dự án thực hiện tại xã Nghiên Loan; quy mô liên kết sản xuất 70 con/2 chu kỳ và có ký kết bao tiêu sản phẩm; tổng kinh phí thực hiện hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng hơn 350 triệu đồng để hỗ trợ các nội dung xây dựng liên kết, giống bò vàng sinh sản, thức ăn hỗn hợp.

Dự án được triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang chăn nuôi trên nguồn tài nguyên sẵn có của người dân; giúp người dân thay đổi nhận thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chủ động lao động, sản xuất trên chính nguồn tài sản của mình, biết tính chi phí chi tiêu, tiết kiệm, bán sản phẩm từ chính sức lao động của mình tạo ra thu nhập.

Theo tính toán của huyện, chăn nuôi 70 con bò sinh sản sau 1 chu kỳ đạt lợi nhuận trên 264,9 triệu đồng; sau 6 chu kỳ lợi nhuận là trên 1,589 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ dân còn tận dụng chất thải để phục vụ trồng trọt. Với lợi nhuận như vậy là khá ổn định vì các hộ không chỉ tận dụng thời gian lúc nhàn rỗi cho việc chăn nuôi bò sinh sản, ngoài thời gian đó vẫn có thể làm những công việc khác để tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Pác Nặm cũng đang triển Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ngựa sinh sản do Hợp tác xã Thuận Thành chủ trì liên kết với Hợp tác xã Vạn Xuân (xã Bằng Thành) và Hợp tác xã Xuân Lộc (xã Xuân La); có 27 hộ dân tham gia liên kết chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm. Dự án liên kết sản xuất 78 con/2 chu kỳ và có ký kết bao tiêu sản phẩm; tổng kinh phí thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng hơn 530 triệu đồng.

Triển khai dự án, Hợp tác xã Thuận Thành tổ chức hợp đồng với đơn vị cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc sát trùng để cung ứng cho các hộ dân tổ chức sản xuất chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm chăn nuôi ngựa sinh sản thông qua hợp đồng liên kết. Người dân tham gia dự án tổ chức sản xuất chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy trình kỹ thuật.

Với đặc thù là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống, phong tục tập quán khác nhau, trình độ dân trí còn hạn chế, việc phát triển sản xuất của một bộ phận người dân vẫn chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần giúp người dân thay đổi tập quán trong chăn nuôi. Được ngân sách nhà nước hỗ trợ giống, vật tư trong 2 năm, đây sẽ là nguồn vốn giúp hợp tác xã và các hộ dân tái sản xuất sau mỗi chu kỳ sản xuất chăn nuôi và mở rộng được quy mô chăn nuôi, tạo được mối liên kết sản phẩm giữa hợp tác xã với các hộ dân được duy trì ổn định. Dự kiến tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ tham gia, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã thực hiện dự án với mục tiêu 50% số hộ nghèo tham gia dự vươn lên hộ cận nghèo./.

Hương Lan