PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ba Bể tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Những năm gần đây, nông dân huyện Ba Bể tích cực chuyển đổi, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, qua đó góp phần nâng cao giá trị canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tại thôn Bản Váng, nhiều thửa ruộng trồng lúa vụ xuân đã được chuyển sang trồng bí xanh thơm

Trong vụ xuân vừa qua, thu nhập từ 4.000 m2 đất ruộng trồng bí xanh thơm là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Đặng Thị Huấn, thôn Bản Váng, xã Địa Linh. Bà Huấn cho biết, trước đây, thấy người dân trong thôn trồng cây bí xanh có hiệu quả, bà cũng đã trồng thử vài trăm m2 trên đất ruộng. Sau vụ đầu tiên, thấy trồng bí xanh thơm cho thu nhập cao, gia đình bà Huấn đã chuyển đổi toàn bộ 4.000 m2 đất trồng lúa tại cánh đồng trong thôn sang trồng bí xanh thơm vụ xuân. Mỗi vụ, những ruộng bí xanh thơm đem lại cho gia đình bà nguồn thu khoảng 50 triệu đồng.

Cũng tại thôn Bản Váng, gia đình bà Liêu Thị Hường là một trong những hộ trồng nhiều bí xanh thơm nhất ở đây. Bà Hường cho biết, năm 2022 này mới là năm thứ ba gia đình bà trồng bí xanh thơm. Vụ xuân năm 2020, gia đình bà chỉ trồng bí xanh thơm với diện tích 2.000 m2, diện tích ruộng còn lại vẫn trồng lúa. Từ năm 2021, gia đình bà quyết định chuyển đổi hết 5.000 m2 đất trồng lúa sang trồng bí vụ xuân, chỉ sản xuất lúa vụ mùa để phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ bí đem lại cho gia đình bà hơn 70 triệu đồng, đây đang là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Hường.

Là thôn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tốt nhất tại xã Địa Linh, đến thời điểm hiện nay, thôn Bản Váng có gần 100% các hộ dân trong thôn trồng cây bí xanh, trong đó phần lớn diện tích trồng trên đất lúa. Tính đến vụ xuân 2022, toàn thôn Bản Váng đã thực hiện được 30/15 ha kế hoạch giao.

Là cây trồng bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên 200 triệu/ha, cây bí xanh thơm đã được người dân một số xã có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp như Chu Hương, Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo, Bành Trạch, Hà Hiệu đưa vào sản xuất thay thế các cây trồng khác hiệu quả kinh tế thấp hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Địa Linh Liêu Nông Kinh cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Địa Linh xác định cần phải tập trung chỉ đạo người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhận thấy cây bí xanh thơm phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ đạo là cây bí xanh thơm. Đến nay, hầu hết các thôn đều có từ 60% hộ dân trồng bí xanh thơm, trong đó có thôn Nà Đúc, Bản Váng có gần 100% các hộ dân trồng. Xã Địa Linh hiện là địa phương có diện tích trồng bí xanh thơm nhiều nhất huyện Ba Bể, vụ xuân vừa qua toàn xã đã thực hiện vượt kế hoạch 80 ha huyện giao.

Dong riềng được trồng trên đất ruộng một vụ tại thôn Phiêng Chỉ, xã Phúc Lộc

Không chỉ cây bí xanh thơm, dựa trên điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, người dân trên địa bàn huyện Ba Bể đã tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng như tại xã Quảng Khê nhiều năm nay, người Dao ở các thôn Nà Vài, Nà Hai đã chuyển một số diện tích từ trồng lúa sang trồng dưa hấu, dưa lưới. Trên những thửa ruộng một vụ thiếu nước, khó gieo cấy lúa, để tránh lãng phí đất sản xuất, các hộ dân đã chủ động chuyển đổi, đưa cây trồng có giá trị vào canh tác. Đến nay, xã Quảng Khê đã hình thành vùng trồng dưa hấu với tổng diện tích khoảng 40 ha, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, xã còn phát triển vùng trồng cây hồng không hạt tập trung với quy mô diện tích trên 60 ha tại khu kinh tế Khưa Rầy, Khưa Phát.

Tại xã Phúc Lộc, những năm gần đây, cây miến dong được người dân các thôn Nà Ma, Phiêng Chỉ, Phja Phạ, Cốc Muồi, Cốc Diển phát triển. Đem lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với cây lúa nên cây dong riềng đang trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con tại các thôn vùng cao này; nhiều diện tích đất ruộng một vụ người dân đã bỏ trồng lúa mà thay thế bằng trồng cây dong riềng. Vụ năm 2022 này, toàn xã Phúc Lộc đã trồng được trên 95 ha cây dong riềng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác được Nhân dân huyện Ba Bể tích cực thực hiện. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bí xanh thơm, dưa hấu, chè, hồng không hạt, mận chín sớm không ngừng được mở rộng, tập trung đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Ba Bể phấn đấu toàn huyện có diện tích đất canh tác đạt giá trị thu nhập 100 triệu đồng/ha trở lên đạt 500 ha, có 400 ha hồng không hạt, 293 ha cam, quýt, bưởi và 748 ha chè... Hiện nay, huyện Ba Bể đã và đang tích cực chỉ đạo, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách được Trung ương, tỉnh ban hành để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; phát triển các chuỗi liên kết đã và đang hình thành, đi vào chiều sâu, phát triển bền vững; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.../.

Hương Dịu