PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông: Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình OCOP
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Bạch Thông xác định phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp và thực hiện Chương trình OCOP gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/4/ 2016 của Tỉnh ủy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực. Các HTX, tổ hợp tác (THT) mới được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 20 HTX nông nghiệp, trong đó nhiều HTX được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động; xuất hiện nhiều HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho người lao động, góp phần tích cực vào việc hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang (Lục Bình), HTX Thiên An (Vi Hương), HTX Hương Ngàn (Nguyên Phúc)…  Toàn huyện đã có 16 sản phẩm của các HTX được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao.

Sản phẩm Mộc nhĩ thái sợi của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019

Tuy nhiên, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát huy tốt được tiềm năng, thế mạnh ở địa phương. Sự liên kết, hợp tác giữa các HTX với các doanh nghiệp chưa nhiều. Các HTX chủ yếu ở khu vực nông thôn, năng lực quản lý chưa cao, thiếu vốn, thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật. Là huyện miền núi, sản phẩm nông lâm nghiệp là chủ yếu, song phần lớn khó tiêu thụ hoặc chưa được thương mại hóa; số lượng sản phẩm chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh còn hạn chế…

Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm là tất yếu, cần phải có quan điểm, hệ thống giải pháp và cơ chế chính sách đồng bộ để khuyến khích phát triển HTX gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP), tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tại Hội nghị lần thứ ba (tháng 10/2020), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 05-NQ/HU “Về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025” nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thông qua với mục tiêu tổng quát: Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, THT) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế và tham gia chương trình OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao và thôn NTM. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững.

Huyện Bạch Thông phấn đấu đến năm 2025, có 25 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 70% HTX hoạt động có hiệu quả; thu nhập bình quân thành viên HTX nông nghiệp đạt 72 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động làm việc trong các HTX nông nghiệp đạt 48 triệu đồng/năm; có 30 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao (phấn đấu có sản phẩm đạt 5 sao); có 12 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Đóng gói sản phẩm tại HTX Thiên An (Vi Hương)

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Bạch Thông đã xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Theo đó, trong thời gian tới, huyện Bạch Thông sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác phát triển kinh tế tập thể gắn với thực hiện Chương trình OCOP, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ thành lập mới các HTX ở mọi lĩnh vực, trọng tâm là các HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản. Ưu tiên hỗ trợ cho 80% HTX, 20% THT xây dựng thương hiệu, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, chế biến; hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu; hỗ trợ dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Chú trọng phát triển HTX gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn quy định và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh; xây dựng 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại trung tâm huyện…

Phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp và thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết, tin tưởng rằng trong giai đoạn tới, lĩnh vực kinh tế tập thể của huyện Bạch Thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương./.

Hương Dịu