Độ tương phản
Hát lượn Slương - một loại hình dân ca sinh hoạt rất phổ biến trong đời sống văn hóa từ xa xưa của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Lượn Slương có những hình thức diễn xướng khác nhau, có hát tự do và hát theo lễ hội. Lời ca, tiếng lượn từ bao đời nay đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của bà con người Tày.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh (81 tuổi, dân tộc Tày) ở thôn Phiêng Dường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới là người đã có gần 30 năm sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép tỉ mỉ những câu lượn Slương làm tư liệu. Mỗi khi nhắc đến làn điệu dân ca của quê hương, ngọn lửa nhiệt huyết trong nghệ nhân như bùng cháy, đôi mắt tinh anh ngời lên niềm vui. Ông cho biết, sự say mê yêu thích làn điệu dân ca của dân tộc Tày ông được thừa hưởng từ người mẹ của mình, mẹ ông từng có 18 năm đi hát lượn và bà cũng thuộc làu hàng trăm câu hát lượn, hát then, thơ lẩu…
Cũng theo Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh, đặc trưng của hát lượn Slương luôn có tính công khai, không giấu diếm để cho tất cả mọi người trong gia đình từ già, trẻ, gái, trai đều được nghe và cảm nhận. Thông thường, các cuộc lượn Slương của người Tày huyện Chợ Mới không bao giờ được hát ngoài đường, ngoài chợ. Tại nơi đông người, các chàng trai, cô gái cần trao đổi với nhau, họ dùng lối hát Phuối Pác và đến phần hát lượn Slương đều được thực hiện trong nhà.
Mỗi cuộc lượn Slương thường có từ 1 đến 15 cặp, tư thế ngồi lượn, thậm chí trong một cặp lượn họ không nhìn thấy nhau. Họ hát đơn ca từng cặp nam, nữ. Những người nhận hát lượn giao duyên với nhau phải bảo đảm yếu tố ba khác: Khác giới, cư trú khác xã, không có chung huyết thống. Người giữ vai Chúa bản là người sở tại. Người giữ vai Xiên lý là khách. Khi chưa lượn với nhau câu nào thì chỉ được xưng hô là bạn. Nếu đã được lượn với nhau ít nhất một câu lượn Giao duyên mới thành bạn lượn của nhau để vào cuộc hát lượn.
Những cuộc hát lượn giao duyên chỉ xảy ra khi có ít nhất một người từ xã khác đến. Nếu là nam thì các nữ chưa chồng của bản đó phải đến tiếp để thực hiện cuộc lượn. Ngược lại, có bạn nữ đến các bạn nam chưa vợ của bản đó phải đến tiếp trên căn nhà sàn của hộ gia đình có khách đến để hát lượn.
Những câu lượn Slương mượt mà tình tứ giao duyên, ngỏ ý, thử tài văn chương đối ứng đều nói lên những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp của con người. “Từ những cuộc hát lượn Slương lôi cuốn song cũng đầy kịch tính, hấp dẫn đã có nhiều cặp đôi trong vùng trở thành bạn tâm giao về chung một nhà, sống cuộc đời hạnh phúc” - Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh chia sẻ thêm.
Lượn Slương hay và ý nghĩa như vậy nhưng theo thời gian, câu hát bị mai một đi nhiều, người trẻ hầu như không biết làn điệu này. Với mong muốn gìn giữ và trao truyền làn điệu lượn Slương của dân tộc Tày, Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh đã dành thời gian và tâm huyết soạn giáo trình, truyền dạy dân ca người dân trong vùng. Đến nay, có ba tổ lượn Slương ở các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư, huyện Chợ Mới (là ba xã liền kề thuộc phía nam của tỉnh Bắc Kạn) thu hút nhiều người yêu văn nghệ, dân ca tham gia học hát. Ông Vịnh mong muốn trong thời gian tới, ở địa phương sẽ có thêm các lớp dạy hát dân ca cho các cháu học sinh.
Các làn điệu dân ca của người Tày rất phong phú, đa dạng, nó phản ánh tâm tư, tình cảm và lề lối sinh hoạt của tộc người. Đối với hát lượn, có các làn điệu như: Lượn Cọi, Nàng ới, Phong slư, Lượn Nàng Hai, Lượn Phẳn, Lượn Nặc... nhưng nổi bật và lâu đời hơn cả đó là lượn Slương, là một loại hình dân ca đặc sắc từ thể thức cho đến giai điệu, lời ca. Tuy nhiên hiện nay, làn điệu lượn Slương truyền thống đang bị mai một và có nguy cơ biến mất cùng với thời gian, di sản văn hóa phi vật thể này lâu nay ít được xuất hiện tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cũng như trong sinh hoạt của người dân.
Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nội dung hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “lượn Slương” của người Tày huyện Chợ Mới có nguy cơ mai một. Thông qua các nội dung bảo tồn của dự án, làn điệu lượn Slương sẽ được đông đảo người dân và du khách thập phương biết đến nhiều hơn, đặc biệt là làn điệu sẽ được lưu giữ và thực hành một cách tự nhiên như một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày cả nước nói chung, huyện Chợ Mới nói riêng.
Là thành viên trong tổ hát dân ca và rất say mê, am hiểu về lượn Slương, bà Hà Thị Thụ ở xã Yên Hân chia sẻ: “Lượn Slương là một làn điệu độc đáo, trọn vẹn trong cả lời thơ và điệu hát. Tôi mong điệu hát này sẽ ngày càng phổ biến để nhiều người con của quê hương tôi đều biết hát lượn, hát giao duyên, từ đó trân trọng hơn giá trị văn hóa của cha ông để lại”.
Những câu lượn Slương ấm áp, nghĩa tình, gần gũi, phác thảo lên một bức tranh sinh động và đầy màu sắc về đời sống, về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống và quan niệm về cuộc sống của người Tày nơi đây. Họ gắn bó thân thiết với bản làng, quê hương xứ sở, nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những câu hát đã khỏa lấp những nhọc nhằn để họ vui vẻ và sống lạc quan yêu đời, sáng lên tâm hồn đẹp chân thành và giản dị./.
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2024 (08/01/2025)
Trao tặng quà cho 200 đoàn viên công đoàn tại Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 (08/01/2025)
Tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông từ năm 2025 (07/01/2025)
Tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp cuối năm (06/01/2025)
Hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước (03/01/2025)