PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bí thư Chi bộ đi đầu trong phát triển kinh tế ở xã Mỹ Phương
Đó là bà Lê Thị Hà - Bí thư Chi bộ thôn Pùng Chằm, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể. Thời gian qua, bà Hà cùng gia đình nỗ lực phát triển kinh tế từ trồng chè, trồng rừng và các loại cây ăn quả. Tâm huyết với cây chè ở quê hương, bà đã vận động thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất chè, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân ở địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bà Lê Thị Hà luôn mong muốn phát triển cây chè địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình
và các hộ trồng chè 

Thôn Pùng Chằm, xã Mỹ Phương là nơi sinh sống của 3 dân tộc Tày, Kinh, Dao với tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn trên 31%.

Với vai trò là Bí thư chi bộ, người có uy tín trong thôn, những năm qua, bà Lê Thị Hà luôn nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế gia đình và thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn.

Nhận thấy cây chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, là cây có tiềm năng phát triển, bà Hà xác định gắn bó với việc sản xuất chè để phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình bà có thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm từ cây chè; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong thôn. Ngoài việc sản xuất chè, gia đình bà Hà còn trồng và chăm sóc 2 ha rừng; trồng 2,5 ha các loại cây ăn quả cam, quýt; canh tác 0,7 ha lúa nước 2 vụ, cải thiện mức thu nhập thêm 80 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình mình, bà Hà mong muốn các hộ trồng chè tại địa phương cũng nâng cao thu nhập từ cây trồng này. Trước thực trạng cây chè chưa được thâm canh đúng kỹ thuật, năng suất, chất lượng và giá bán không cao, bà Hà luôn đau đáu tìm cách nâng cao năng suất, chất lượng để nâng cao thu nhập từ cây chè. Khi biết Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn mở lớp dạy nghề sản xuất chè an toàn, bà Hà đến từng nhà vận động người dân tham gia. Kết thúc khóa học, 34 người dân thôn Pùng Chằm đã được cấp chứng chỉ nghề sản xuất chè an toàn.

Nhằm sản xuất có hiệu quả cao, bà Hà đã đứng ra vận động bà con thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè an toàn. Tháng 3/2017, HTX chè Mỹ Phương được thành lập với 7 thành viên; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chè an toàn là “Trà Lê Hà”.

Sau một thời gian hoạt động, HTX đã phát huy hiệu quả, năng suất, chất lượng chè cao hơn hẳn so với trước đây. Hiện nay, sản phẩm chè của HTX được đóng gói theo quy trình kỹ thuật, bán ra thị trường với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Chè được giá, thu nhập của các xã viên và các hộ trồng chè tăng lên rõ rệt, từ đó, nhiều hộ gia đình đã cải tạo nương chè cũ và mở rộng diện tích trồng mới.

Đặc biệt, khi Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì triển khai thực hiện từ tháng 1/2019 - 12/2021, HTX chè Mỹ Phương tham gia Dự án với nội dung thực hiện các mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP, chè thâm canh theo hướng hữu cơ, mô hình trồng chè giống mới với tổng diện tích 22 ha tại thôn Pùng Chằm và thôn Bioc Ve, 23 hộ dân tham gia, được chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm chè chất lượng cao, qua đó thay đổi tập quán sản xuất chè của người dân địa phương từ để mọc tự nhiên sang thâm canh theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ, phát triển sản xuất chè hàng hóa tại địa phương. Năm 2019, sản phẩm chè của HTX chè Mỹ Phương đã tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn và được cấp giấy chứng nhận 3 sao. Qua hiệu quả thực tế của mô hình Dự án, năm 2023, bà Hà tiếp tục vận động Nhân dân trong thôn trồng mới thêm được 0,96 ha chè.  

Bà Lê Thị Hà cho biết, hiện nay, HTX có 10 ha chè được chứng nhận an toàn. Từ việc chăm sóc, thu hái, chế biến đúng kỹ thuật, sản lượng và chất lượng chè của địa phương ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Với vai trò là Bí thư chi bộ, người có uy tín nhiều năm liền, bà Hà có nhiều đóng góp tích cực xây dựng quê hương. Trong phát triển kinh tế, bà đã vận động Nhân dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kết quả năm 2023, toàn thôn có 4 hộ nghèo thoát nghèo và 2 hộ thoát cận nghèo.

Năm 2023, khi thực hiện bê tông hóa đường vào khu sản xuất tại thôn, gia đình bà Hà ủng hộ 10,5 triệu đồng để giúp giải phóng mặt bằng. Đầu năm 2024, thôn tổ chức đổ bê tông sân, đường lên nhà văn hóa thôn, bà cũng đã ủng hộ vật liệu cát sỏi, xi măng trị giá 5,5 triệu đồng.

Bà Lê Thị Hà với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến
là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023

Với những thành tích đạt được, bà Lê Thị Hà đã được chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, tháng 12/2023, bà vinh dự được mời là đại biểu Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.

Hương Dịu