PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/01/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa (PTSXHH). Các chính sách được triển khai hiệu quả đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong giai đoạn 2011 - 2015, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã ban hành cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu hỗ trợ thiết yếu trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của địa phương; nội dung chính sách đã tác động tích cực đến đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ nghèo, dân tộc thiểu số; giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến áp dụng trong sản xuất nông nghiệp và đã từng bước làm thay đổi nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa, tạo sự chuyển biến trong các phương thức tổ chức sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, sản xuất nông - lâm nghiệp chưa thật sự bền vững; năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp so với các tỉnh trong vùng và so với tiềm năng; sản lượng hàng hóa ít, chất lượng chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, mạnh mún, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa; công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản và chế biến sau thu hoạch phát triển chậm; thu nhập của người lao động khu vực nông, lâm nghiệp còn thấp…

Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế tại địa phương, từng bước đưa ngành nông lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị cho sản phẩm nông sản bản địa, từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành 2 nghị quyết lớn định hướng phát triển về lĩnh vực nông lâm nghiệp của tỉnh trong bối cảnh cả đất nước hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh Bắc Kạn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ PTSXHH phù hợp định hướng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo từng giai đoạn và sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện. Tháng 4/2017, tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ban hành quy định chính sách hỗ trợ PTSXHH tỉnh Bắc Kạn. Đây là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU và thực hiện một trong bốn chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng”. Đây cũng chính là những chính sách đầu tiên của tỉnh tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Tiếp đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ PTSX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (có sửa đổi, bổ sung ở Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020); Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 về quy định một số chính sách hỗ trợ PTSX nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận với chính sách, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến nông lâm sản, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, là tiền đề để tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp ổn định, lâu dài. Các địa phương đã chủ động triển khai, lồng ghép chính sách của tỉnh vào các chương trình, đề án đang thực hiện trên địa bàn; xây dựng thành công một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển

Các chính sách hỗ trợ PTSXHH được triển khai thực hiện đã tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển

Thực hiện chính sách hỗ trợ PTSXHH tỉnh Bắc Kạn theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh, Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ lãi suất tiền vay (6%/năm) cho 1 hợp tác xã (HTX) và 1 trang trại; hỗ trợ xây dựng 6 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho 14 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND tỉnh đã hỗ trợ 31 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ HTX Tài Hoan mở rộng cơ sở vật chất PTSX; hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Bắc Kạn và thị trấn Chợ Rã (Ba Bể); hỗ trợ cấy giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 13 HTX, 1 THT.

Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND tỉnh đã hỗ trợ 17 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo các Chương trình MTQG; hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Chợ Mới; hỗ trợ phát triển trồng cây lâm nghiệp đa mục đích, hỗ trợ nguồn nhân lực giai đoạn 2022 - 2025 (lần 1) cho 44 HTX trên địa  bàn  tỉnh...

Các chính sách hỗ trợ PTSXHH được triển khai có hiệu quả đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển; bà con nông dân đã từng bước bỏ dần tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất lớn với phương thức hiện đại thông qua mô hình HTX kiểu mới. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nguyên liệu gắn với chế biến, vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, một số diện tích đã chuyển sang sản xuất theo mô hình VietGAP, hữu cơ; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ, phát triển rừng gỗ lớn... Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh dần tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 400 HTX; có trên 200 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao và nhiều nông sản địa phương khác được người tiêu dùng biết đến.

Các chính sách thông qua các chương trình, dự án đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sản xuất, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, HTX trong việc đầu tư chi phí ban đầu. Đồng thời tác động tích cực đến đời sống Nhân dân trên địa bàn, giúp người dân có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo sự chuyển biến trong các phương thức tổ chức sản xuất và từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giúp người dân không lo đầu ra cho sản phẩm và dần tiến tới mở rộng quy mô phát triển vùng nguyên liệu tập trung có đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Qua tổng kết thực tiễn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ PTSXHH trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay cho thấy, các chính sách được ban hành phù hợp với định hướng phát triển về nông lâm nghiệp của tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghị quyết; các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai thực hiện các nghị quyết có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, bất cập.

Để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, các địa phương, cơ sở sản xuất đã kiến nghị tỉnh sửa đổi, bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ mới đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tiễn hiện nay như: Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn; hỗ trợ đánh giá, cấp chứng chỉ FSC; hỗ trợ một số mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp; sửa đổi nội dung của chính sách hỗ trợ phát triển trồng cây lâm nghiệp đa mục đích cho phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hạ tầng cho HTX để tạo điều kiện thực hiện liên kết, liên doanh bền vững…/.

Hương Dịu