Độ tương phản
Ngay sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW được ban hành, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức quán triệt, học tập, phổ biến nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW. Căn cứ tình hình thực tiễn, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về văn hóa, văn nghệ.
Theo đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đang trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và từng bước có sự gắn kết với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.
Các cấp ủy, chính quyền đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; chăm sóc sức khỏe Nhân dân; công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và các quy định khác của Đảng; nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từng nhiệm kỳ, các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội luôn được quan tâm. Các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng triển khai, trong đó có các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, khoa học - công nghệ… Vì vậy, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa … ngày càng đảm bảo về số lượng và chất lượng; các công trình, di tích lịch sử, văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, tu bổ. Đến năm 2023, các huyện, thành phố thuộc tỉnh đều có trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông; 100% địa bàn dân cư được phủ sóng truyền hình số, trong đó truyền hình số mặt đất do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng chiếm 30% địa bàn dân cư, tăng 30% so với năm 2014.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng và đạt những kết quả quan trọng, chất lượng ngày càng nâng lên. Số gia đình, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa ngày càng tăng; đến năm 2023, tỷ lệ Gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 94%, tăng 42,3% so với năm 2014. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thi đua thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, góp phần tích cực vào xây dựng văn hóa, con người. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản đúng theo quy định và đáp ứng được nhu cầu tham gia, hưởng thụ văn hóa Nhân dân.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch; nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 120 di tích, trong đó có 71 di tích đã xếp hạng và 49 di tích kiểm kê chưa xếp hạng; 20 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hóa được thực hiện tích cực, các hoạt động giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, du lịch được tăng cường. Tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, con người, văn hóa gắn kết với du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng như qua các đoàn khách nước ngoài đến thăm, làm việc tại tỉnh; phát sóng các chuyên mục tuyên truyền văn hóa đối ngoại trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; tham gia các hội chợ du lịch, trưng bày các gian hàng giới thiệu, quảng bá các ấn phẩm, bản đồ du lịch, sách hướng dẫn du lịch đến với các vùng đất, con người Bắc Kạn; biểu diễn các làn điệu hát then, trưng bày các sản phẩm OCOP ...
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, văn hóa trong hệ thống chính trị, khu dân cư, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình ngày càng được nâng cao, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Con người Bắc Kạn từng bước phát triển toàn diện, có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình và xã hội. Các chuẩn mực, giá trị văn hóa, tri thức con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng được hoàn thiện./.
Tăng cường tuyên truyền pháp luật về khoáng sản, lâm sản (31/10/2024)
Đội ngũ bí thư chi bộ phát huy vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở (05/07/2024)
Khối dân vận cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động (05/06/2024)
Ba Bể: Đạt và vượt 40/63 chỉ tiêu Nghị quyết (23/05/2024)
Tăng cường công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới (26/03/2024)