PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động phòng trừ châu chấu tre lưng vàng hại cây trồng nông nghiệp
Châu chấu tre lưng vàng (CCTLV) hiện đang gây hại tại huyện Ngân Sơn và Na Rì. Nếu các địa phương trong tỉnh không chủ động phòng trừ kịp thời, CCTLV sẽ tiếp tục phát tán gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đoàn công tác của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng kiểm tra CCTLV hại ngô
tại thôn Sắc Sái, xã Cư Lễ, huyện Na Rì

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, CCTLV giai đoạn tuổi 4 - 5 và trưởng thành đang gây hại trên rừng vầu và ngô giai đoạn trỗ cờ - thâm râu tại huyện Ngân Sơn và huyện Na Rì với diện tích 143,5 ha. Mật độ phổ biến 60 - 80 con/m2, cao 150 - 200 con/m2 , cục bộ > 300 con/m2 .

Cụ thể, CCTLV gây hại trên rừng vầu hỗn giao tại khu vực các thôn Bản Quản, Liên Kết, Nà Vài, Nà Nạc xã Hiệp Lực  thuộc huyện Ngân Sơn; thôn Khuổi Phầy, Pò Rản xã Văn Vũ, thôn Khổi Quân, Sắc Sái xã Cư Lễ, thôn Nặm Cà xã Văn Lang thuộc huyện Na Rì; mật độ phổ biến 100 con/m2, cao 200 - 300con/m2, cá biệt  > 500 con/m2. Diện tích rừng vầu bị hại khoảng 136 ha.

Trên cây ngô, CCTLV gây hại trên những diện tích gần rừng vầu thuộc các khu vực thôn Sắc Sái xã Cư Lễ của huyện Na Rì; thôn Nà Nạc xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn. Mật độ phổ biến 50 - 80 con/m2, cao 100 - 150 con/m2, cá biệt 250 - 300 con/m2; diện tích bị hại 7,5 ha, trong đó tại xã Hiệp Lực bị hại 7 ha.

Để chủ động trong công tác phòng trừ, ngăn chặn CCTLV di chuyển thành đàn gây thiệt hại cho cây trồng nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện Ngân Sơn, Na Rì và Bạch Thông, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện phương án/kế hoạch phòng trừ châu CCTLV, không để châu chấu phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại trên cây trồng nông nghiệp. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã đang có châu chấu gây hại tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động kiểm tra diện tích rừng vầu và diện tích gieo trồng cây nông nghiệp có nguy cơ bị châu chấu gây hại; phun trừ CCTLV trên các diện tích cây trồng nông nghiệp bị hại, đặc biệt chú ý những diện tích ngô giai đoạn trỗ cờ, diện tích mạ vụ mùa… Chỉ đạo thống kê, đánh giá thiệt hại do CCTLV gây ra (nếu có); nếu CCTLV bùng phát diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất cần triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch để khôi phục sản xuất đối với các diện tích cây nông nghiệp bị châu chấu gây hại nặng theo quy định.

Đối với các địa phương chưa xuất hiện CCTLV gây hại, UBND huyện/thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh của CCTLV để chủ động có phương án phòng chống kịp thời; chú ý khu vực giáp ranh với vùng đã bị châu chấu gây hại tại các huyện Ngân Sơn, Na Rì. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về cách nhận biết và biện pháp phòng trừ CCTLV cho các hộ dân.

Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Kiểm lâm viên địa bàn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương theo dõi, thống kê diện tích rừng vầu, nứa bị hại; tuyên truyền tới người dân về cách nhận biết, tác hại và biện pháp phòng trừ CCTLV. Phối hợp theo dõi, phát hiện địa điểm CCTLV đẻ trứng (vào tháng 9, 10, khu vực đẻ trứng thường có xác trưởng thành châu chấu), đồng thời thông báo tới cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có phương án phòng trừ năm tiếp theo.

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng trừ CCTLV hại cây trồng của các địa phương; chủ động trao đổi thông tin với cơ quan chuyên môn tại các tỉnh giáp ranh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang đang có CCTLV gây hại để phối hợp theo dõi, phòng trừ.../.

Hương Dịu