PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/08/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Bắc Kạn đã quan tâm phát triển du lịch trong thời gian qua. Song, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần nhiều hơn nữa các giải pháp để khơi dậy tiềm năng trong lĩnh vực này của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhiều lợi thế để phát triển du lịch

Sở hữu một vẻ đẹp rất đặc biệt với phong cảnh thiên nhiên tựa chốn bồng lai tiên cảnh, du lịch Bắc Kạn luôn xứng đáng là điểm đến của du khách. Nơi đây có khí hậu mát mẻ nên rất tiện lợi cho du khách đến tham quan vào bất cứ thời điểm nào trong năm, bởi mỗi một mùa, Bắc Kạn lại mang trong mình mỗi vẻ đẹp riêng.

Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, trong đó nổi bật là Vườn Quốc gia Ba Bể với trung tâm là hồ Ba Bể. Toàn bộ khu vực này có tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hấp dẫn với những hệ thống sông, hồ, hang động phong phú.

Hồ Ba Bể là điểm đến hấp dẫn du khách

Hiện nay, sản phẩm du lịch chính được Bắc Kạn khai thác chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, mà trọng tâm là hồ Ba Bể với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Phần lớn gói tour của các đơn vị lữ hành đều hướng du khách thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hữu tình cùng hệ sinh thái động thực vật phong phú.

Nắm bắt xu hướng nghỉ dưỡng của du khách, ven hồ Ba Bể, nhiều cơ sở lưu trú theo hình thức homestay được hình thành. Nhiều chủ homestay còn tổ chức trọn gói các dịch vụ đưa đón bằng thuyền, tổ chức nấu nướng, đốt lửa trại... Nếu là người ưa vận động, du khách có thể thong dong tản bộ, đạp xe thăm thú thiên nhiên, ngắm những đồng lúa nếp được trồng xen kẽ trong khu nhà dân ven hồ. Người thích mạo hiểm hơn có thể chọn trải nghiệm trekking (loại hình du lịch dã ngoại, leo núi)…

Ngoài ra, tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Kạn còn nằm ở nền văn hóa đa dạng, phong phú (phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao). Những làn điệu then, đàn tính, hát sli, lượn… mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào vùng cao.

Cùng với đó là những di tích lịch sử mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong kháng chiến. Các điểm di tích lịch sử văn hóa của Bắc Kạn đã kết nối với các điểm du lịch lân cận như ATK Định Hóa (Thái Nguyên), khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng)…

Để phát triển du lịch, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo phát triển du lịch theo đúng định hướng. Nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về lợi ích phát triển du lịch được nâng lên. Thông qua hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bắc Kạn cũng quan tâm triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, từ đó, bước đầu huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Giai đoạn 2016 - 2019, Bắc Kạn đón trên 1,8 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 980 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,4%, đóng góp của du lịch đạt khoảng 1,7% GRDP toàn tỉnh.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Nguồn vốn đầu tư công dành cho phát triển du lịch còn thấp. Các khu, điểm du lịch chưa có quy hoạch chi tiết. Công tác tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, tỉnh chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, không nằm ngoài tình hình chung của cả nước, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài và nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bắc Kạn đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch để phát triển du lịch. Mới đây, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển Khu du lịch Ba Bể trở thành Khu du lịch quốc gia, du lịch Hồ Nặm Cắt trở thành Khu du lịch cấp tỉnh; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm, khu du lịch được công nhận; đón ít nhất 32.000 lượt khách quốc tế và 1.000.000 lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khách du lịch đạt 13%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh; có 40% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch.

Định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; thu hút khoảng 50.000 lượt khách quốc tế và 1.700.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tương đương với 10% GRDP toàn tỉnh; có 60% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra, trong đó nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với phát triển du lịch. Tỉnh cũng tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch tỉnh đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững. Cùng với đó là xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Doanh nghiệp báo cáo chủ trương đầu tư phát triển du lịch tại Phja Khao, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn

Trong các giải pháp phát triển ngành Du lịch, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh tập trung lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; quy hoạch di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể và vùng phụ cận; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng khu du lịch.

Song song với đó, Bắc Kạn sẽ tập trung nguồn lực, huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các chương trình, đề án thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông như mở mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh. Cụ thể: Từ trung tâm thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối với Na Hang, Tuyên Quang; Quốc lộ 3 mới đoạn Chợ Mới - Thành phố Bắc Kạn; đường Khang Ninh - Quảng Khê; đường xung quanh hồ Ba Bể... Đầu tư hạ tầng du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và các điểm có tiềm năng phát triển du lịch khác trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó là nỗ lực thu hút, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch của tỉnh như Khu du lịch hồ Ba Bể, Khu vực Đồn Đèn, hồ Nặm Cắt, thác Nà Khoang, hồ Bản Chang, ATK Chợ Đồn và các điểm du lịch cộng đồng... Đồng thời chủ động phối hợp với tỉnh Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang để trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Rà soát, lập mới đề nghị công nhận các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và các di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục quốc gia.

Ngoài ra, Bắc Kạn tiếp tục tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ thống du lịch thông minh.

Với nhiều giải pháp tập trung triển khai, Bắc Kạn đang nỗ lực để khơi dậy tiềm năng, lợi thế ngành Du lịch và cũng là để thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thức XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Hương Lan