PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giữ gìn và phát huy kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm gìn giữ những nét truyền thống về không gian văn hóa, kiến trúc, nhà ở của cộng đồng các dân tộc.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, nơi đây còn tạo nên ấn tượng đặc biệt cho nhiều du khách trong và ngoài nước về một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều hộ gia đình ở Pác Ngòi đã tận dụng những nếp nhà sàn truyền thống cải tạo thành Homestay để đón khách. Trên địa bàn thôn Pác Ngòi hiện có gần 100 mái nhà sàn, trong đó có không ít ngôi nhà đã có tuổi đời cả trăm năm... Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là giữ gìn về không gian kiến trúc, nhà ở, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách lưu trú và tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch cộng đồng Pác Ngòi.

Xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, dân số xã có tới 74% là đồng bào dân tộc Tày. Đối với bà con nơi đây, nếp nhà sàn từ lâu đã gắn bó bền chặt với cuộc sống, là nơi hình thành văn hóa và nuôi dưỡng tâm hồn cho bao thế hệ. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa phát triển khá nhanh, ngày càng nhiều ngôi nhà xây kiên cố, khang trang được dựng lên khiến bộ mặt nông thôn xã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hộ dân trên địa bàn vẫn gìn giữ vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn truyền thống.

Ông Hà Đức Định, thôn Khuổi Chang, xã Nông Thượng chia sẻ "Ngôi nhà sàn của gia đình tôi được đã trải qua 3 thế hệ, đến nay đã bị xuống cấp. Để giữ được không gian sinh hoạt truyền thống, thời gian tới, gia đình tôi chỉ gia cố thêm các cột gỗ, gầm sàn bằng vật liệu mới, mái lợp ngói… đảm bảo chắc chắn, an toàn cho ngôi nhà".


Một số ngôi nhà sàn truyền thống tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn

Thực hiện xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng xanh, nhanh, bền vững và đậm đà bản sắc dân tộc, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng giữ gìn và phát huy giá trị không gian kiến trúc truyền thống của cộng đồng các dân tộc nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, gắn với phát triển các loại hình du lịch. Không chỉ nhà ở dân cư, hiện nay, nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử mang tầm vóc lớn của tỉnh, điển hình như Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử Nà Tu, công trình Nhà Văn hóa trung tâm huyện Pác Nặm… được xây dựng mang phong cách kiến trúc dân tộc, kết hợp hiện đại, đã tạo nên điểm nhấn đặc trưng cho miền đất Bắc Kạn.

Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, việc xây dựng, thiết kế kiến trúc ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch có xu hướng biến đổi về thiết kế, vật liệu và công năng, sự thay đổi để thích ứng với cuộc sống hiện đại kéo theo nguy cơ mai một bản sắc văn hoá dân tộc và làm giảm sức hấp dẫn đặc thù về du lịch của tỉnh.

Kiến trúc sư Nông Quang Huyên - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sự tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc quản lý, giữ gìn, bảo tồn kiến trúc truyền thống phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng khu vực và tập quán của đồng bào; việc bảo tồn phải gắn liền với nhu cầu đời sống, tạo ra thu nhập là biện pháp lâu dài và hiệu quả. Tuy nhiên, nhân sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiến trúc còn hạn chế về số lượng, chất lượng; các nguồn kinh phí phân bổ thực hiện cho đề án, đề tài khoa học thuộc lĩnh vực kiến trúc không nhiều trong bối cảnh nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Các công trình kiến trúc truyền thống ngày càng xuống cấp do thời gian, thời tiết và các yếu tố xã hội tác động, chưa có kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng, mặt khác nguồn nguyên liệu để thực hiện phục dựng, sửa chữa công trình kiến trúc truyền thống ngày một khan hiếm.

Để giữ gìn, bảo tồn kiến trúc truyền thống, tháng 7/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt nội dung thuyết minh và dự toán kinh phí thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá thực trạng và đề xuất thiết kế mẫu nhà ở truyền thống của một số dân tộc tỉnh Bắc Kạn”; trong đó xác định các mục tiêu cụ thể nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, giữ gìn văn hoá, không gian kiến trúc nhà ở truyền thống của một số dân tộc tỉnh Bắc Kạn, lựa chọn, xây dựng hồ sơ thiết kế mẫu trên cơ sở mẫu nhà ở truyền thống đã lựa chọn, có yếu tố thay đổi để phù hợp với vật liệu mới, nhu cầu sinh hoạt và phục vụ phát triển du lịch, tuyên truyền và quảng bá kiến trúc nhà ở truyền thống của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương cũng đã rà soát, đề xuất vị trí các thôn, bản trên địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch, đồng thời đề xuất về hình thức kiến trúc truyền thống nhà ở riêng lẻ phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống trong từng thôn, bản. Trong quá trình lập quy hoạch nông thôn, việc định hướng tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc truyền thống cũng được các địa phương quan tâm, lồng ghép nhằm kết hợp văn hoá truyền thống và phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá; đặc biệt, đối với Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, UBND huyện Ba Bể là cơ quan tổ chức lập đã định hướng tổ chức không gian, công trình kiến trúc cũ và mới, giữ gìn cảnh quan môi trường của khu vực bảo vệ di tích, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay đang trình thẩm định…/.

Thu Cúc