Độ tương phản
Hồ Ba Bể là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc Việt Nam với nhiều phong cảnh kỳ thú và đa dạng về sinh học. Đến với Hồ Ba Bể, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được thưởng thức những món ăn truyền thống, được khám phá bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây…
Hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể
Hồ Ba Bể cách thành phố Bắc Kạn 70km về phía Tây Bắc, nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể; phía Đông Bắc giáp xã Cao Trĩ và Khang Ninh; phía Đông Nam giáp xã Nam Cường và xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.
Hồ được hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm về trước do một biến động địa chất lớn, làm sụt lún các dãy núi đá vôi tạo thành, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ và các cánh rừng nguyên sinh. Địa chất và địa mạo của khu vực Hồ hết sức phức tạp dẫn đến sự tạo thành các phong cảnh đẹp ngoạn mục với cấu trúc địa chất và đất đai có một không hai, điều đó kéo theo sự hình thành của nhiều hệ sinh thái khác nhau. Qua khảo sát cho thấy sự pha trộn phức tạp của các hệ sinh thái Các-xtơ (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) điển hình và hệ sinh thái phi Các-xtơ trong sự hài hòa với các hệ sinh thái sông hồ. Sự đa dạng về địa chất và sinh học như vậy khó có thể bắt gặp ở các nơi khác trên thế giới.
Địa chất và địa mạo của khu vực Hồ Ba Bể hết sức phức tạp tạo thành các phong cảnh đẹp ngoạn mục với cấu trúc địa chất và đất đai có một không hai
Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, địa hình gồ ghề và cắt xé bởi các ngọn núi cao từ 1.400m đến 1.600m và xen kẽ là các thung lũng. Hồ được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng. Hồ Ba Bể được hợp thành từ 03 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm. Hồ có chiều dài hơn 08km, nơi rộng nhất là 02km, diện tích mặt nước khoảng 500ha, độ sâu trung bình 20m, có những nơi sâu đến 35m, có nhiều loài thủy vật và cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như cá Chép Kình, cá Rầm Xanh, cá Chiên… Nước Hồ Ba Bể trong xanh, quanh năm mát mẻ, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, in đậm bóng núi, lồng lộng mây trời, nhìn như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những dãi núi uốn lượn vùng cung ẩn hiện trên mặt nước. Trên mặt Hồ có nhiều đảo nhỏ xinh đẹp như Đảo Bà Góa, đảo An Mạ…
Du khách tham quan trên Hồ Ba Bể
Xung quanh Hồ là các bản nhà sàn của người Tày. Sau một ngày dạo chơi trên Hồ, du khách có thể dừng chân ở những nơi này để cùng cảm nhận cuộc sống ấm áp, đậm tình mến khách của bà con dân bản. Khi lựa chọn nghỉ ngơi trên những ngôi nhà sàn rộng rãi và thoáng mát, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân miền núi, nhấp chén rượu thơm mùi ngô nếp, hòa mình vào những khúc đàn tính, điệu then, câu sli, slượn, được nghe sự tích Hồ Ba Bể với truyền thuyết về Đảo Bà Góa, thuyền độc mộc…
Bản Pác Ngòi bên bờ Hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể khoác trên mình sự hùng vĩ của núi rừng, và một nét duyên dáng, mềm mại với làn nước hòa quyện cùng trời đất, núi rừng bao quanh, lúc xanh rêu, lúc xanh lam, khi lại lẫn sắc vàng của bóng cây, khi lại sắc trắng của những đám mây… Nếu một lúc nào đó bạn cần chút bình yên, cần sự tĩnh lặng thì hãy tới Ba Bể. Nơi đó sẽ không làm bạn thất vọng. Ba Bể như một viên ngọc bích giữa núi đồi Đông Bắc, thật trong lành, tinh khiết và thanh tao./.
Những kết quả thu được từ chương trình Không gian Ba Bể - miền quê (08/05/2019)
Công bố 15 món ẩm thực dân tộc đặc trưng vùng hồ Ba Bể (28/04/2019)
Bắc Kạn khai mạc chương trình Không gian Ba Bể - Miền quê (28/04/2019)
Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải kiểm tra dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể và công tác chuẩn bị tổ chức Chương trình Không gian Ba Bể - Miền quê (26/04/2019)
Nét đẹp trong trang phục truyền thống của các dân tộc ở Bắc Kạn (24/04/2019)