Độ tương phản
Cùng với Hồ Ba Bể, Động Hua Mạ được mệnh danh là “Kỳ quan đệ nhất Động”, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Ba Bể, Bắc Kạn.
Động Hua Mạ nằm ở phía Nam Hồ Ba Bể, cách trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể khoảng 10km. Nằm bên bờ sông Lèng, giữa lưng chừng ngọn núi Cô Đơn thuộc địa phận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), đây là một hang động lớn với vẻ đẹp cuốn hút, mang trong mình những huyền sử kỳ bí.
Động Hua Mạ gắn liền với một truyền thuyết dân gian vô cùng kỳ bí. Truyện kể rằng ở khu vực “Lèo Pèn” (tiếng Tày có nghĩa là “Rừng Ma” ), nơi ma quỷ ngự trị, tại lưng núi có một sơn động lạ. Ngày ngày, cứ chiều tà, tiếng kêu hú từ phía động vọng ra khiến dân chúng trong vùng không ai dám đến gần.
Một ngày cuối năm, có một vị tướng đi tuần qua, khi đến bờ sông Lèng trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay khi qua sông, cứ xuống đến nước ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó. Cùng lúc đó từ phía “Lèo Pèn,” tiếng hú vọng ra. Thấy sự việc lạ, vị tướng cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc, vì cố thủ trong hang, bị giặc bít cửa hang nên đã chết mà không được siêu thoát.
Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay, khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn.Từ đó người ta gọi sơn động “Lèo Pèn” là động Hua Mạ (hay còn gọi là Đầu Ngựa), để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của hang động này.
Qua hàng triệu năm, trầm tích thời gian tạo nên những khối nhũ đá kỳ vĩ, mang nhiều hình dáng đặc biệt như hình bông hoa, đài sen đức Quan âm bồ tát, cảnh thầy trò Đường Tăng đi sang Tây Trúc lấy kinh; cảnh mỏm đá lô nhô như một buổi thiết triều có đông đủ văn võ bá quan... Các nhũ đá trắng, đen ánh lên các màu lung linh huyền ảo từ phía trên hang động rủ xuống, từ mặt đất nhô lên khiến không gian bên trong động càng thêm lung linh, huyền ảo.
Từ chân núi Cô Đơn, du khách theo các bậc cầu thang trên sườn núi dốc thoai thoải là tới cửa động. Bước chân vào động, du khách không khỏi choáng ngợp bởi không gian thoáng đãng và không khí mát mẻ bên trong.Nhũ đá, rèm đá được hình thành ngay từ cửa hang cho đến tận cuối hang. Bề mặt lòng hang khá bằng phẳng, khô ráo, sạch sẽ, dễ đi và ít gió, thỉnh thoảng có các thềm đá, gờ đá uốn lượn như các ruộng bậc thang rất đẹp. Hàng chục cột đá to cao 10 - 15m sừng sững giữa hang, được bàn tay thiên nhiên chạm trổ hết sức tinh tế giống như các cột trụ trong các đền chùa cổ kính. So với những sơn động đã được khám phá tại Việt Nam như Hương Tích, Thiên Cung, Phong Nha - Kẻ Bàng… thì động Hua Mạ cũng không thua kém về độ kỳ vĩ của những nhũ đá hàng triệu năm tuổi, cùng với đó là sự tích đầy bí hiểm, linh thiêng.
Hua Mạ còn được gọi là “Động Treo” bởi hang động này nằm ở lưng chừng núi, có độ cao so với mặt nước biển là 350m, chiều dài hơn 700m. Trần động có chỗ cao tới 40-50m, động có cửa vào ở phía Đông và thông ra ở phía Nam. Cửa động trông xuống một vùng nước non xanh biếc của Hồ Ba Bể.
Từ những năm 2003 - 2004, động Hua Mạ được khảo sát và đưa vào khai thác du lịch từ năm 2007. Từ đó đến nay, Hua Mạ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.Để phục vụ khách du lịch thăm quan, khám phá, bên cạnh việc chú trọng bảo tồn và phát triển cảnh quan tự nhiên của động, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư các hệ thống đèn chiếu sáng, đường lên động. Cùng với Hồ Ba Bể, Bản Pác Ngòi, Động Hua Mạ được xác định sẽ tạo thành khu du lịch tổng hợp trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn, thu hút khách trong nước và quốc tế đến với Bắc Kạn.
Những hình ảnh kỳ thú của Động Hua Mạ (nguồn: Internet)
Những kết quả thu được từ chương trình Không gian Ba Bể - miền quê (08/05/2019)
Công bố 15 món ẩm thực dân tộc đặc trưng vùng hồ Ba Bể (28/04/2019)
Bắc Kạn khai mạc chương trình Không gian Ba Bể - Miền quê (28/04/2019)
Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải kiểm tra dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể và công tác chuẩn bị tổ chức Chương trình Không gian Ba Bể - Miền quê (26/04/2019)
Nét đẹp trong trang phục truyền thống của các dân tộc ở Bắc Kạn (24/04/2019)