PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/11/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Linh thiêng Đền An Mã
Trên hành trình khám phá du lịch Ba Bể (Bắc Kạn), du khách sẽ có dịp đến dâng hương tại Đền An Mã, đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, trữ tình mà vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng của chốn đạo thiền nhà phật.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trên hành trình khám phá du lịch Ba Bể (Bắc Kạn), du khách sẽ có dịp đến dâng hương tại Đền An Mã, đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, trữ tình mà vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng của chốn đạo thiền nhà phật. 

Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội khoảng 240 km, nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể. Đền An Mã (An Mạ) toạ lạc trên đảo An Mã giữa hồ Ba Bể. Đảo An Mã là một hòn đảo đá vôi, có khum hình mai rùa, nhô cao khoảng 30m giữa mặt Hồ Ba Bể. Khắp đảo phủ xanh cây cối, và là điểm thuận tiện để quan sát cảnh quan vùng hồ cùng chim thú. Đền thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần.... Tương truyền, Đền còn là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là "mồ yên mả đẹp" nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc.

 Đền An Mã thu hút đông đảo du khách thập phương (Ảnh internet)

Được trùng tu xây dựng lại năm 2006, đền An Mã mang nét giản dị, nhẹ nhàng, thanh thoát, hoà quyện với thiên nhiên. Các đường nét được chạm trổ khéo léo, công phu đã phần nào thể hiện được ý tưởng, quan niệm của con người nơi đây, gắn với hoàn cảnh lịch sử trong từng thời kì.

Đền An Mã là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, khách thập phương và cũng là nơi dâng lễ Hội xuân Ba Bể tổ chức vào ngày 10 tháng giêng. Hội đền An Mã được tổ chức vào ngày 6 tháng hai âm lịch hàng năm. Người dân địa phương đều biết đến sự linh thiêng của đền An Mã. Những ngày mồng một âm lịch hằng tháng, người dân thường lên đảo thắp hương cầu tài, cầu lộc, cầu cho gia đình bình an, hạnh phúc.

Người dân Việt Nam nói chung có một đời sống tâm linh vô cùng sâu sắc. Đi đền, chùa là một thói quen, một nhu cầu không thể thiếu của người dân. Vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, người dân Việt Nam lại cùng nhau đến các đình chùa, miếu mạo dâng hương lễ Phật, bày tỏ sự thành kính trước các bậc thánh thần và ông bà tổ tiên. Người dân Việt đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nói chung, khi đến chùa mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn. Khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa vào dịp này bỗng trở nên đông đúc, nghi ngút khói hương bởi những dòng người từ khắp các nơi tìm về.Bởi vậy, với nhiều di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có đền An Mã, Bắc Kạn có tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hoá, lễ hội, du lịch tâm linh.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của các di tích lịch sử - văn hoá, chính quyền địa phương đã chú ý tới việc khai thác tiềm năng đó vào việc phát triển du lịch văn hoá Bắc Kạn. Trong điều kiện một tỉnh miền núi, nông lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo như Bắc Kạn hiện nay thì doanh thu từ du lịch đã đóng góp một phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng như làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện để quê hương bắt kịp cùng với sự phát triển ngày càng năng động của cả nước trong thời kỳ đổi mới./.

Nguyễn Nga (tổng hợp)