PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngân Sơn tập trung phát triển chăn nuôi
Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Ngân Sơn đã tận dụng những thế mạnh của địa phương để phát triển chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đến nay, tổng đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) của huyện Ngân Sơn có 12.479 con, đạt 89,04% kế hoạch giao. Tổng đàn dê có 1.475 con và 30.000 con lợn, 343.012 con gia cầm. Ngoài ra, huyện có 6 trang trại chăn nuôi lợn, 19 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô nhỏ; 1 chuỗi liên kết chăn nuôi lợn do Hợp tác xã (HTX) Huy Ngọc đang triển khai.

Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn, UBND huyện Ngân Sơn đã khuyến khích các hộ dân thành lập các tổ hợp tác (THT), HTX chăn nuôi. Đến nay, huyện đã có 21 THT chăn nuôi tập trung chủ yếu ở xã Cốc Đán, Hiệp Lực và 4 HTX chăn nuôi. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói rét trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu mùa đông năm 2021, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch phòng, chống đói, chống rét cho vật nuôi trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường, chủ động trong công tác phòng, chống rét đậm, rét hại cho vật nuôi. Cùng với đó, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác phòng, chống đói, chống rét cho vật nuôi; trực tiếp tới cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, tuyên truyền việc thực hiện công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi tới người dân.

Trước tình hình một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn, huyện Ngân Sơn đã tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn vận động Nhân dân tích cực thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Trong đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc đợt I năm 2022, huyện đã tiêm được 3.795 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, 4.386 liều vắc xin tụ huyết trùng và 1.769 liều vắc xin phòng bệnh dại. Ngoài ra, các xã, thị trấn trong huyện cũng lựa chọn những thôn khó khăn trong công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi để chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêm điểm. Qua báo cáo của các địa phương, kết quả tiêm tại các thôn điểm đều tăng so với năm 2021.

Cùng với công tác tiêm phòng, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã chỉ đạo, cấp 585 lít hóa chất để các xã, thị trấn tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Mặc dù vậy, do thời tiết rét đậm, rét hại nên trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện đã có 93 con gia súc bị chết rét tại các xã Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân, Thuần Mang và thị trấn Nà Phặc. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn còn xảy ra tại 2 xã Đức Vân, Thượng Ân với 9 con gia súc mắc bệnh. Huyện đã tiến hành tiêu hủy số gia súc mắc bệnh và đến nay đã công bố hết dịch tại xã Đức Vân.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò tại các địa phương có diện tích chăn thả lớn; tuyên truyền, vận động, định hướng người dân chuyển dần từ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ; tuyên truyền, vận động các HTX, THT, trang trại phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đồng thời thực hiện công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2022. Ngành chuyên môn của huyện tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại, cơ sở chăn nuôi kiên cố, đảm bảo các quy trình khép kín về phòng, chống dịch bệnh; áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi; trường hợp xuất hiện gia súc ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý kịp thời./.

Ngọc Tú