PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/03/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh - Người “giữ lửa” cho văn hóa truyền thống
Với niềm đam mê các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh, 81 tuổi ở thôn Phiêng Dường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy các bài Then cổ, các điệu lượn Slương cho các thế hệ. Hiện ông là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh kể câu chuyện về Then, lượn Slương

Theo ông Vịnh, Then là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, có nguồn gốc hình thành từ lâu đời trong dân gian, đó là những khúc hát, điệu múa, âm nhạc thực hiện trong không gian các lễ cúng giải hạn, chữa bệnh, cấp sắc, cầu mùa, cầu phúc, cầu tài lộc… Ông Vịnh kể "bố mẹ tôi hiếm muộn nên đã đón thầy Then đến nhà làm lễ cầu tự, sau đó, tôi được sinh ra và làm con nuôi của thầy. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi được sống trong những làn điệu Then, tham dự lễ cấp sắc và các lễ hội về Then. Trong gia đình, bố tôi am hiểu sâu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, còn mẹ tôi rất giỏi hát các làn điệu dân ca Tày. Tôi đã bị lôi cuốn bởi tiếng hát Then ngọt ngào cùng tiếng đàn tính dìu dặt, được lớn lên trong “cái nôi” của văn hóa hát Then".

Sau này, ông Vịnh làm nghề dạy học, cán bộ quản lý giáo dục, dù vậy, ông vẫn đam mê với các làn điệu hát Then. Do đã có kinh nghiệm dạy tiếng Tày, ông đã dịch nhiều bài Then từ tiếng Tày sang tiếng Việt và sáng tác thơ song ngữ Tày - Việt. Từ khi hát Then không còn bị coi là mê tín mà được công nhận như một môn nghệ thuật dân gian độc đáo cần gìn giữ, phát huy, năm 2008, ông tham mưu cho chính quyền xã Yên Cư ra quyết định thành lập "Câu lạc bộ hát Then - dân ca Tày bản Tinh" với 14 thành viên do ông làm chủ nhiệm. Vào thời gian rảnh rỗi, các thành viên Câu lạc bộ lại tụ họp cùng nhau, cùng đàn cùng hát.

Ông cùng các nghệ nhân sưu tầm những bài Then cổ, những vật dụng được sử dụng trong các nghi lễ Then và tuyên truyền, tập hợp những người trong bản yêu Then, đến với Then. "Tôi thấy các làn điệu dân ca là hồn cốt của dân tộc, là triết lý sống đầy tính nhân văn. Các lời Then, lượn được mọi người yêu mến vì trong đó chứa đựng quan điểm nhân sinh sâu sắc của cha ông từ ngàn xưa truyền lại. Qua sưu tầm, tôi càng có cơ hội nắm vững các tri thức dân gian và càng thấy rõ trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau" - Ông Vịnh chia sẻ.

Năm 2009, ông tham gia biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần III và năm 2015 tham gia Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Ttính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V tại Tuyên Quang. Tại các kỳ Liên hoan, ông đã đạt giải cao. Đó là những dấu mốc quan trọng, ông được nhiều người biết đến và các nhà nghiên cứu tìm đến để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cơ duyên đến với ông, năm 2010, ông được nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1926 (nay đã mất) - một nghệ nhân Then nổi tiếng quê xã Yên Hân truyền dạy cho các bài Then nghi lễ. Sau đó, các bài hát đã được in thành sách và phát hành trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, kho tư liệu Then của ông đã có 72 bài Then nghi lễ và 82 bài Then cấp sắc. Ngoài ra, ông còn sưu tầm được 42 bài lượn Thương (có nơi còn gọi là lượn Slương).

Ngoài việc trực tiếp sưu tầm, trình diễn các bài Then, ông cũng thường xuyên hướng dẫn hát Then cho nhiều học trò, thành viên Câu lạc bộ Then tại địa phương. Trong quá trình sưu tầm, truyền dạy, ông Vịnh còn phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà nghiên cứu trung ương và địa phương thực hiện các tin bài, phóng sự, tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản Then.

Ông Vịnh còn là một nghệ nhân làm đàn Tính nổi tiếng. Ông làm đàn không chỉ để bán cho người muốn mua mà còn tặng cho những người yêu thích hát then mà không có điều kiện mua để luyện tập.

Với những đóng góp của mình, năm 2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh phát biểu tại Hội thảo lượn Slương. Ảnh: Tư liệu

Đến nay dù tuổi đã cao, sức khỏe đã không còn nhiều nhưng Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Vịnh vẫn đau đáu với văn hóa dân tộc, vẫn mong muốn được khôi phục Lễ hội Lồng tồng tại quê nhà, bảo tồn và phát huy điệu lượn Slương của người Tày huyện Chợ Mới.

Bắc Kạn là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Cùng với các di sản văn hóa vật thể, hệ thống di sản phi vật thể của tỉnh cũng rất phong phú về nội dung, đậm đà bản sắc văn hóa. Hơn ai hết, những nghệ nhân dân gian như ông Vịnh chính là những người đang nắm giữ hồn cốt của di sản và đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

Ngọc Tú