PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Người trí thức tiêu biểu về khoa học và công nghệ
Thực tiễn ngày nay đang đòi hỏi đội ngũ trí thức khoa học công nghệ sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ các công trình nghiên cứu của mình. Trong số đó, kỹ sư Nguyễn Thị Hồng, nguyên Trưởng phòng Quản lý Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn là người có nhiều đóng góp cho lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Kỹ sư Nguyễn Thị Hồng theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của lúa trong thời gian thực hiện dự án

Là kỹ sư nông nghiệp được giao nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn thực hiện các chương trình về lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh, bằng nhiệt huyết và lòng đam mê nghề nghiệp, kỹ sư Nguyễn Thị Hồng đã không ngừng trau dồi, học tập từ sách, báo, đồng nghiệp để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Trước đây, với chức vụ Trưởng phòng Quản lý Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chị luôn phát huy và nêu cao vai trò, trách nhiệm của một lãnh đạo phòng, không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu ý tưởng, sáng kiến mới, áp dụng thành công trong sản xuất và cuộc sống.

Hằng năm, chị đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ bằng việc tham mưu phương án và các văn bản chỉ đạo sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh; đề xuất đưa các giống lúa, ngô năng suất, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật trồng trọt vào thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh; tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thẩm định chất lượng giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phục vụ sản xuất theo kế hoạch hằng năm đảm bảo chất lượng theo quy định. Bên cạnh đó, chị còn tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính về công nhận nguồn giống (cây đầu dòng) cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình sản xuất nông nghiệp, sử dụng giống cây trồng và tham mưu về lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật cho lãnh đạo Chi cục báo cáo cấp trên đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Với đam mê khoa học, năm 2011, chị đã đề xuất thực hiện Dự án khoa học “Nghiên cứu tuyển chọn một số giống lúa thuần tại tỉnh Bắc Kạn”. Ngay sau khi được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt dự án, với kinh nghiệm của bản thân, chị đã cùng anh em đồng nghiệp trong đơn vị phối hợp với cơ sở, trực tiếp là người nông dân triển khai thực hiện dự án.

Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng (từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2014) bắt đầu từ vụ xuân năm 2012. Phạm vi triển khai là 3 vùng đại diện cho 3 vùng khí hậu khác nhau là Chợ Mới, Ba Bể và Na Rì với diện tích trong năm 2012 là 6 ha. Dự án được tiến hành thí điểm trên 3.000 m2 tại thôn Cao Thanh, xã Nông Hạ với 12 bộ giống thuần là DT68, PC6, P9, PC26, GL101, GL102, GL107, GL159, P6ĐB, HT6, ĐS1, NL7 và giống thuần để đối chứng là Khang dân 18.

Mục tiêu của dự án nhằm xác định 2 đến 3 giống lúa thuần có tiềm năng năng suất trung bình trên 55 tạ/ha, ưu tiên chọn giống lúa ngắn ngày và trung bình phù hợp với điều kiện của địa phương để đưa vào cơ cấu giống của tỉnh. Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời nâng cao năng lực cũng như kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh trong công tác chọn giống và phát triển các giống lúa thuần nói riêng và tổ chức thực hiện các chương trình dự án nói chung.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án khoa học, chị Hồng cũng gặp những khó khăn nhất định, do các địa điểm thực hiện xa trung tâm nên việc đi lại khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển vật tư để phục vụ nghiên cứu. Mặt khác, người dân tham gia thử nghiệm chưa được tiếp xúc nhiều với các tiến bộ khoa học mới, tập quán canh tác có từ lâu đời. Ngoài ra, một số hộ còn thói quen trông chờ ỷ lại nên việc hướng dẫn, vận động làm theo kỹ thuật mới gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chị Hồng đã phải kiên trì, tập trung và rất nỗ lực để hướng dẫn cũng như giúp đỡ người dân trong việc chăm sóc cây trồng, cụ thể như việc bón phân theo giai đoạn sinh trưởng của cây, việc quản lý sâu bệnh… để thay đổi dần thói quen và tập quán canh tác cũ.

Với sự nỗ lực của bản thân cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, sau 3 năm thực hiện tuyển chọn, dự án đã lựa chọn được 3 giống lúa thuần mới (PC6, HT6, DT68) có khả năng sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, điều kiện thâm canh chăm sóc của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giúp bà con nông dân có thêm cơ hội lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với điều kiện, thị hiếu của gia đình, tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa gạo, góp phần tăng thu nhập.

Qua đánh giá dự án, nhìn chung, cả ba giống lúa thuần (PC6, HT6, DT68) đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất đạt bình quân từ 55 - 60 tạ/ha, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, đặc biệt giống PC6 có ưu điểm là giống ngắn ngày thích hợp tăng vụ, phát triển ở các vùng chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại; lũ quét. Các giống lúa PC6, HT6 và DT68 được đưa vào chỉ đạo cơ cấu giống của tỉnh trong Phương án sản xuất vụ đông xuân năm 2014 - 2015 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 16/10/2014. Cũng trong năm 2014, diện tích trồng giống lúa PC6 đã được mở rộng ra hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh với diện tích là 440 ha. Tiếp tục vụ xuân năm 2015, mở rộng thêm diện tích trồng giống lúa PC6 là 530 ha, nâng tổng diện tích mở rộng cả quá trình triển khai đề tài lên tới hàng nghìn ha, năng suất bình quân đạt trên 50 tạ/ha (cao hơn giống lúa đại trà của địa phương 3,6 tạ/ha) làm tăng sản lượng lúa lên 360 tấn, giá trị tăng thêm của đề tài là 3,24 tỷ đồng (tính giá lúa 9.000 đồng/kg).

Đánh giá kết quả thực hiện, Dự án “Nghiên cứu tuyển chọn một số giống lúa thuần tại tỉnh Bắc Kạn” do kỹ sư Nguyễn Thị Hồng làm Chủ nhiệm có giá trị hiệu quả cao, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu và được đánh giá xếp loại xuất sắc.

Dự án do kỹ sư Nguyễn Thị Hồng triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Thông qua đó, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhất là mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Ghi nhận những cống hiến cho ngành Khoa học và Công nghệ cũng như đóng góp cho tỉnh, kỹ sư Nguyễn Thị Hồng là một trong 3 trí thức tiêu biểu về khoa học và công nghệ được Chủ tịch UBND tỉnh tôn vinh./.

Hương Lan