Độ tương phản
Ảnh tư liệu
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật là Nguyễn Thị Vịnh), sinh ngày 30/9/1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh bắt đầu học chữ quốc ngữ tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Tại đây, đồng chí được thầy giáo Trần Phú dìu dắt bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.
Năm 1926, đồng chí Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia phong trào đấu tranh tại quê hương, vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927 (khi mới 17 tuổi), đồng chí gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng, lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai.
Đầu năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí trở thành đảng viên lớp đầu tiên và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Tháng 3/1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.
Từ năm 1931-1933, đồng chí bị mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng đồng chí trước sau vẫn kiên trung với cách mạng. Ra tù, đồng chí tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng và đến Thượng Hải công tác ở Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1936, đồng chí vào học khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Đầu năm 1937, đồng chí được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt. Chúng giam tại Khám Lớn - Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Sáng ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí khác bị giặc đem ra xử bắn ở Hóc Môn.
Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ (khi mới 31 tuổi), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và Nhân dân giao phó, để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho Nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời sau./.
Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV (26/12/2024)
Bắc Kạn tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (26/12/2024)
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyên Bạch Thông sau Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa X (25/12/2024)
ĐBQH tỉnh Bắc Kạn - Một năm nhìn lại (25/12/2024)
Họp Ban Chỉ đạo tỉnh tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (25/12/2024)