Độ tương phản
Những ngôi nhà truyền thống của đồng bào vùng cao
Theo Chi hội Kiến trúc sư Bắc Kạn khảo sát, hiện nay, nhà truyền thống của Bắc Kạn gồm nhà 1 tầng và 2 tầng. Kiến trúc nhà truyền thống 1 tầng tập trung hai kiểu thiết kế chính là nhà khung cột gỗ, bưng ván xung quanh, mái lợp ngói âm dương, sau này lợp tôn và fibro xi măng (điển hình dân tộc Dao), tiếp đến là nhà trình tường bằng đất nện trộn sỏi dăm nhỏ nhào kỹ đầm từng lớp và xây bao quanh, phần khung bên trong dùng hệ cột, dầm xà bằng gỗ chịu lực cho mái (điển hình dân tộc Hoa, Tày). Với nhà kiểu này, các chức năng thờ cúng, tiếp khách, phòng ngủ gia đình và phòng ngủ khách trong cùng một nhà và phân vị trí rõ rệt, các công trình phụ như bếp, kho, chuồng trại tách riêng và liên kề sân phơi phía trước nhà để xe, phơi nông sản thu hoạch được như ngô, thóc, măng, thuốc lá để tiện sinh hoạt.
Những ngôi nhà truyền thống 1 tầng tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn
Mẫu nhà trình tường tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn (dân tộc Nùng), đã xây trên 100 năm (Ảnh tư liệu của Chi hội Kiến trúc sư tỉnh)
Do hệ thống cột gỗ và tường hầu hết tiếp xúc mặt đất ẩm nên tuổi thọ công trình cũng bị ảnh hưởng, thường dưới 50 năm. Đối với nhà trình tường 1 tầng thì khi bị hư hại, nứt tường do thời tiết, hoặc do yếu tố kỹ thuật xây dựng đã xảy ra thì khó khắc phục.
Kiến trúc nhà hai tầng truyền thống cơ bản tập trung nhà sàn hệ khung gỗ, cột từ 12 đến 42 cột, mái lợp ngói âm dương, ngói ta, sau này thay bằng tôn và tấm lợp fibro xi măng. Sàn sử dụng đa dạng từ dát cây mai, tre, rồi sàn gỗ rải ra có dạng ghép và dạng rải tự do. Các sinh hoạt như thờ cúng, tiếp khách, phòng ngủ gia đình và phòng ngủ khách trong cùng một sàn tầng 2, bếp về cơ bản đã tách riêng khối và nối liền nhà sàn. Tầng 1 chỉ để nông cụ, chất đồ dự trữ trong sinh hoạt, nhà vệ sinh và chuồng trại nuôi gia súc gia cầm đã tách riêng.
Nhà sàn 2 tầng tại xã Kim Hỷ, huyện Na Rì (Ảnh tư liệu của Chi hội Kiến trúc sư tỉnh)
Theo thời gian, với quá trình trao đổi, giao lưu sinh hoạt văn hóa, giao lưu buôn bán mà kiến trúc các ngôi nhà cũng có phần biến đổi. Mặt khác, nhiều gia đình phá dỡ các ngôi nhà truyền thống sử dụng vật liệu tự nhiên (gỗ, tre, nứa, lá cọ..) sang vật liệu nhân tạo (gạch, ngói, kính, sắt thép…). Vì vậy, việc thiết kế định hướng để người dân bảo tồn giá trị truyền thống ngôi nhà là rất cần thiết.
Phương án kiến trúc nhà truyền thống
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn các di tích, di sản quý báu của tỉnh. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 4 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch...
Hiện nay, tuyến đường trọng điểm từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể đang khẩn trương thi công để tạo đột phá ngành du lịch Bắc Kạn, việc bảo tồn, phát triển các ngôi nhà truyền thống vùng hồ Ba Bể, Chợ Đồn sẽ góp phần tạo nên hình ảnh bản sắc của tỉnh Bắc Kạn ngày càng đẹp và giàu truyền thống hơn.
Trên cơ sở khảo sát tại các địa phương, Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất một số phương án kiến trúc để người dân trong quá trình đầu tư xây dựng tham khảo, vừa giúp bảo tồn giá trị truyền thống, vừa phù hợp với quá trình phát triển hiện nay.
Theo đó, đối với nhà trình tường, quy hoạch lại vị trí lối vào, thêm cổng, hàng rào phù hợp kiến trúc nhà truyền thống. Di chuyển vị trí công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, kho… Chỉnh trang đường giao thông chung toàn bản, bổ sung thùng thu gom rác, lò đốt rác. Bổ sung cấp điện bằng năng lượng, trồng cây, hoa theo đặc trưng địa phương. Thêm biển chỉ dẫn cho du khách tìm hiểu.
Nhà truyền thống 2 tầng, đối với các ngôi nhà sàn lâu năm, quỹ đất hiện nay ở hầu hết các địa phương không còn nhiều nên việc bổ sung chức năng khu vệ sinh vào bên trong ngôi nhà là hết sức cần thiết và có thể thực hiện được. Đối với các cột đã yếu có thể thay thế bằng gỗ mới. Bổ sung rãnh thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Bổ sung cửa sổ lấy sáng, diện tích cửa sổ và cửa đi phải đạt tối thiếu 25 đến 30% diện tích tường bao xung quanh nhà.
Đối với nhà xây mới bằng gỗ, có thể dùng gỗ mỡ già, gỗ gội, gỗ ngát, gỗ kháo, gỗ xoan, gỗ chò chỉ… Mái nên sử dụng ngói âm dương, ngói ta, hoặc tối thiếu tôn giả ngói, không khuyến khích lợp tấm fibro xi măng. Không gian cho khách lưu trú du lịch nên tách riêng giao thông, riêng khu vệ sinh.
Đối với nhà xây mới bằng bê tông cốt thép, do đặc điểm là “đón khách”, kiến trúc ngôi nhà thể hiện tính “mở’ nên Chi hội Kiến trúc sư đề xuất tạo sảnh đón riêng cho ngôi nhà, vừa tạo điểm nhấn từ xa, đồng thời có thể sử dụng nhiều mục đích khác nhau cho cả chủ nhà và khách.
Phương án thứ nhất dành cho gia đình có quỹ đất vừa và nhỏ. Tận dụng tầng 1 làm không gian kinh doanh, có bếp nấu, nhà vệ sinh bên trong tiện cho sinh hoạt, thang bên trong nhà, có phòng nghỉ cho khách. Có phương án sử dụng bếp lửa cổ truyền, có hút khói, đây là phương án khuyến khích thực hiện bởi đó là nét đặc trưng của lối sống người dân vùng cao nói chung.
Các gia đình có thể tận dụng tầng 1 làm không gian kinh doanh, có phương án bếp lửa truyền thống tạo nét đặc trưng của đồng bào vùng cao
Phương án thứ hai đề xuất không gian tầng 1 là nơi giao lưu chung, phục vụ nhiều mục đích của chủ nhà và khách. Có thể để xe máy, xe đạp, ô tô, mắc võng, kê bàn uống nước… Lưu ý chờ sẵn đường cấp và thoát nước để sau có thể bổ sung phòng, kho.
Phương án này có thể phát triển cho khách lưu trú dịch vụ homestay, để đảm bảo không xáo trộn sinh hoạt chủ nhà, nên đưa phòng nghỉ của khách lưu trú xuống tầng 1. Các phòng có nhà vệ sinh khép kín và phải có không gian thoáng sinh hoạt chung để phục vụ các hoạt động giao lưu, hội thảo, ăn uống chung…
Tầng 2 bố trí thang lên hai bên để cơ động, đảm bảo thoát hiểm an toàn phòng cháy và chữa cháy. Sảnh đón dùng chức năng tiếp khách chung, vừa là vọng ngắm cảnh thoáng, kết hợp hàng lan can chạy quanh nhà. Không gian bên trong bố trí phòng ngủ có tường ngăn kín để có thể lắp điều hòa khi cần thiết, khu còn lại cho khu vực thờ gia tiên kết hợp phòng khách, bếp ăn, phơi quần áo, vệ sinh...
Phương án 3 cơ bản giống phương án 2, tuy nhiên sử dụng không gian để trống ở giữa tầng 1 để tạo ra không gian sinh hoạt chung để phục vụ các hoạt động giao lưu, hội thảo, ăn uống chung… Chức năng phòng nghỉ đưa sang hai bên, xây tường gạch kín có thể lắp điều hòa, cửa sổ mở các hướng đón thiên nhiên, vệ sinh khép kín riêng từng phòng. Tầng 2 bố trí thang lên hai bên đăng đối tạo sự uy nghi vững chắc cho công trình và để cơ động, đảm bảo thoát hiểm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Bản thiết kế của Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bắc Kạn
Đối với các hộ gia đình có quỹ đất rộng, có ưu thế phát triển dịch vụ homestay, có thể phát triển các căn phòng độc lập liền kề. Để đảm bảo tính thống nhất sử dụng hệ lan can chạy cùng tuyến mặt tiền, hệ cột đồng bộ, sử dụng thang riêng, khu vệ sinh riêng, đặc biệt sử dụng sảnh đón rộng từng căn phòng dạng lô gia để có không gian phục vụ nhiều chức năng và hòa nhập không khí thiên nhiên bản địa. Có phương án sử dụng bếp lửa cổ truyền, có hút khói, đây là phương án khuyến khích thực hiện bởi đó là nét đặc trưng của lối sống người dân vùng cao nói chung.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh kết hợp với phát triển du lịch, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu nguồn kinh phí thực hiện theo hướng lập đề tài/đề án đảm bảo tính tổng thể, đa dạng kiến trúc các mẫu nhà truyền thống phù hợp với các dân tộc trên địa bàn tỉnh; báo cáo phương án cụ thể với UBND tỉnh và chủ động tham mưu, đề xuất những nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định.
Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bắc Kạn hiện đã hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc mẫu nhà sàn truyền thống, gửi UBND huyện Ba Bể và UBND huyện Chợ Đồn tuyên truyền, hướng dẫn UBND cấp xã thông báo đến Nhân dân tham khảo trong quá trình xây dựng./.
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2024 (08/01/2025)
Trao tặng quà cho 200 đoàn viên công đoàn tại Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 (08/01/2025)
Tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông từ năm 2025 (07/01/2025)
Tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp cuối năm (06/01/2025)
Hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước (03/01/2025)