Độ tương phản
Công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nay đã 22 năm, bác sĩ chuyên khoa II Lương Văn Huế - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, do đặc thù công việc, bản thân tôi nhiều năm đón giao thừa tại Bệnh viện. Bệnh tật không chừa bất cứ ngày đặc biệt nào nên mọi công việc của các y, bác sĩ vẫn diễn ra như một ngày bình thường. Chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời những ca cấp cứu, ngộ độc thực phẩm hàng loạt, tai nạn hay thảm họa, thiên tai dịch bệnh có thể xảy ra. Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu trong dịp Tết năm nay, Khoa đã bố trí lịch trực 3 ca, 4 kíp, đảm bảo đầy đủ về con người, cơ sở vật chất như thuốc, xe và người vận chuyển, đưa đón bệnh nhân, sẵn sàng cấp cứu những ca bệnh nặng và hội chẩn với các Khoa liên quan. Cùng với những kíp trực thường xuyên 24/24 giờ, chúng tôi có bố trí các kíp trực để sẵn sàng tiếp đón những bệnh nhân nặng khi tuyến dưới và Nhân dân cần hỗ trợ, giúp đỡ.
Ngày 30 Tết, do trực 24/24 giờ tại Bệnh viện, vì vậy, mọi công việc gia đình đều đã được các y, bác sĩ chuẩn bị trước đó. Giây phút giao thừa chúng tôi cũng đặc biệt, thường là đón ở Phòng Hành chính của Khoa song các thầy thuốc luôn trong tâm thế sẵn sàng cấp cứu những trường hợp nặng. Bác sĩ Huế nhớ lại, trong những ca trực Tết những năm trước, tôi và các đồng nghiệp gặp trường hợp thanh niên đi chơi Tết bị tai nạn nặng hoặc những cụ già lên cơn hen phế quản, đột quỵ cấp. Gác hết niềm vui cho bản thân, tất cả khẩn trương bắt tay vào cấp cứu, xử trí kịp thời và người bệnh đã qua cơn nguy kịch, tiến triển tốt.
Mặc dù nhiều năm không được đón Tết ở nhà song vào dịp Tết, chúng tôi thường được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến động viên, chia sẻ và chúc Tết. Hơn nữa, khi nhìn thấy những bệnh nhân qua cơn nguy kịch và khỏe mạnh thì đó chính là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày trực Tết của y, bác sĩ. Những ngày gần Tết, chúng tôi cũng sắp xếp để bệnh nhân kịp về nhà đón Tết, đối với những trường hợp bệnh nhân nặng, Bệnh viện cũng chuẩn bị tổ chức cho bệnh nhân đón Tết tại Bệnh viện.
Nhân dịp năm mới sắp đến, bác sĩ Huế mong các bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu nói riêng cũng như tất cả những người bệnh hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện nói chung chóng bình phục, khỏe mạnh và bình an. Dù là ngày thường hay ngày Tết, người bệnh hãy yên tâm luôn có đội ngũ y, bác sĩ ở bên cạnh để chăm sóc, điều trị.
Công tác ở một huyện xa xôi của tỉnh, bác sĩ Dương Văn Thùy - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cho biết, 11 năm công tác đã qua, anh thường xuyên trực và đón giao thừa tại bệnh viện. Chuyện đón giao thừa trong bệnh viện với chúng tôi đã trở thành quen thuộc, công việc không cho phép chúng tôi được lơ là hay mất tập trung dù chỉ một phút, bởi chỉ cần một chút sơ suất là có thể phải trả giá bằng cả tính mạng của bệnh nhân. Giây phút đón giao thừa của các thầy thuốc cũng thật đặc biệt. Tạm gác đi chút niềm vui năm mới, chúng tôi tiếp đón lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng cao so với ngày thường. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả các y, bác sĩ, những người làm nhiệm vụ trực Tết đều mong muốn được về bên gia đình, ở cạnh người thân yêu vào thời khắc quan trọng nhất trong năm. Đón giao thừa tại bệnh viện, chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy một chút tủi thân, một chút trống vắng.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng có những niềm hạnh phúc, luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp quan tâm, bệnh nhân đồng cảm và có lẽ niềm vui lớn hơn cả là được nhìn thấy những nụ cười của người bệnh khi được điều trị khỏi, thoát khỏi lưỡi hái “tử thần”. Với nhiều “chiến sĩ áo trắng”, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, ít có thời gian dành cho gia đình song tôi luôn được gia đình cảm thông và chia sẻ để tập trung vào công việc chuyên môn của mình - Bác sĩ Thùy bộc bạch.
Chuyện “lỗi hẹn” giao thừa để cứu sống bệnh nhân không xa lạ với người thầy thuốc trực Tết. Bác sĩ Thùy chia sẻ về một kỷ niệm không thể nào quên. Đó là ca trực vào đêm giao thừa Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Kíp trực chúng tôi mặc dù rất bận rộn nhưng vẫn chuẩn bị mâm cỗ đón giao thừa ở ngoài trời, đặt ngay trước phòng cấp cứu. Đúng 23h50 phút, mọi thứ sẵn sàng thì có một sản phụ đau bụng nhập viện. Khi vừa đến nơi, do đường xá đi lại xa xôi, lại đau bụng từ trước, sản phụ đã sinh con ngay tại sân. Cả kíp trực vội vàng khiêng sản phụ lên phòng đẻ để xử trí, khoảng 40 phút sau đã mẹ tròn con vuông. Chúc mừng gia đình, lì xì cháu bé xong thì đã qua khoảnh khắc giao thừa, mâm cỗ do đặt ngoài trời nên cũng không còn vẹn nguyên, cả kíp trực ngậm ngùi trở về ăn tạm gói mì tôm.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những thầy thuốc trực Tết, nhiều năm qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Y tế vẫn thường đến động viên, tặng quà để các y, bác sĩ xa quê vơi nỗi nhớ nhà và luôn cảm thấy ở bệnh viện cũng ấm áp như một gia đình.
Không chỉ các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh hay Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm mà tại các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong những ngày Tết, đội ngũ y, bác sĩ vẫn lặng thầm, cần mẫn với công việc của mình. Khi mọi người, mọi nhà đang quây quần bên mâm cỗ tất niên thì những y, bác sĩ vẫn làm nhiệm vụ, nỗ lực hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Mùa Xuân này có lẽ họ buồn vì thiếu vắng gia đình nhưng cũng thật ý nghĩa khi đã mang đến sức khỏe, niềm vui cho những bệnh nhân, giúp họ có thêm tinh thần chiến thắng bệnh tật, sớm trở về đoàn tụ với gia đình./.
Xác định 4 đội bóng vào chung kết vô địch bóng chuyền U23 quốc gia 2024 (19/09/2024)
Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (16/09/2024)
Ngành Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do bão, lũ (12/09/2024)
Đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão (11/09/2024)
Điều chỉnh thời gian tổ chức thi đấu các trận Chung kết tại Giải vô địch Bóng chuyền U23 quốc gia năm 2024 (11/09/2024)