Độ tương phản
Nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong tỉnh đã xác định các cây trồng, vật nuôi lợi thế, chủ lực để tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển; người dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất chất lượng nông sản. Tuy nhiên, các chỉ tiêu lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chưa đạt kế hoạch (KH) đề ra: Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm mới đạt 3,65%; tổng sản lượng lương thực có hạt vụ xuân ước đạt 84.000 tấn, đạt 98% KH; diện tích trồng cây lúa vụ mùa thực hiện đạt 99,2% KH; sản lượng thịt hơi xuất chuồng chưa đạt 50% KH năm; dong riềng đạt 79% KH; sản lượng khai thác gỗ 6 tháng đầu năm chỉ đạt 36,7% KH, lũy kế đến tháng 8 đạt 68,2% KH...
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; khô hạn xảy ra ngay từ đầu vụ xuân (tháng 1, 2) ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất; từ tháng 4 đến nay, liên tục xảy ra các đợt mưa to, dông lốc gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh trở lại trên địa bàn tỉnh với trên 90% xã thuộc 8 huyện, thành phố có dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn và công tác tái đàn của các địa phương. Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt thấp do thị trường tiêu thụ không ổn định.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi an toàn
Năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,2%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, những tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương phải tăng cường các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, các địa phương đã chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo sản xuất, bám sát chỉ tiêu, kế hoạch được giao; triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn năm 2024; vận dụng các chính sách và nguồn lực hiện có hỗ trợ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra; tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển, mở rộng diện tích cây trồng lợi thế của từng địa phương nhằm bù đắp sản lượng thiếu hụt do thiên tai gây ra và những diện tích cây trồng chưa đạt kế hoạch ở vụ xuân năm 2024.
Trong chăn nuôi, các địa phương tăng cường tuyên truyền phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm do có chu kỳ nuôi ngắn đáp ứng số lượng và sản lượng nhanh nhất, cung cấp nhu cầu về thực phẩm của Nhân dân, bù đắp được sản lượng thịt hơi thiếu hụt từ chăn nuôi lợn, mặt khác tận dụng được chuồng nuôi lợn để trống để chăn nuôi... Đối với đàn đại gia súc, huyện tập trung tổ chức sản xuất theo hình thức nuôi vỗ béo, khuyến khích người chăn nuôi lựa chọn những con trâu, bò không đủ tiêu chuẩn làm giống nuôi vỗ béo đưa vào xuất bán, giết mổ để tăng số lượng và sản lượng. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nuôi trồng các loài thủy sản trên cơ sở diện tích hiện có để nâng cao năng suất, sản lượng.
Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác lâm sản của các chủ rừng trên địa bàn, đặc biệt là việc khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và khai thác rừng trồng phòng hộ theo đúng quy định; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Vụ đông sắp tới, các địa phương tập trung sản xuất các loại cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, ưu tiên tập trung sản xuất các loại cây trồng có liên kết, bao tiêu sản phẩm, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất./.
Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (09/01/2025)
Năm 2025, trồng mới 3.500 ha rừng (03/01/2025)
Bắc Kạn quan tâm xây dựng chính sách đất đai ở địa phương (03/01/2025)
Thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế năm 2025 (02/01/2025)
Bắc Kạn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8,5% (30/12/2024)