PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/10/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát huy các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn phường Xuất Hóa
Tăng cường công tác xúc tiến, kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến nhằm thu hút khách du lịch; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của du khách; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển các sản phẩm du lịch… là những giải pháp thành phố Bắc Kạn xác định cần tập trung thực hiện để khai thác, thúc đấy phát triển du lịch, qua đó phát huy các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn phường Xuất Hóa.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Hình ảnh một số thác nước tự nhiên trên địa bàn phường Xuất Hóa

Lợi thế về cảnh quan hấp dẫn

Là phường cửa ngõ phía Nam của thành phố Bắc Kạn, Xuất Hóa nằm trên trục Quốc lộ 3, có nhánh Quốc lộ 3B đi qua; đồng thời trên địa bàn phường có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, điểm di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia... là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch.

Tiêu biểu như thác Nà Noọc hay còn gọi là thác Bạc, là thác nước tự nhiên nằm ở chân đèo Áng Toòng. Thác được bắt nguồn từ hai dòng suối là Nặm Dất và Nà Khu thuộc xã Cao Sơn, huyện Chợ Mới. Toàn bộ hệ thống thác gồm 5 ngọn thác có độ cao 300 m so với mực nước biển. Vào mùa nước nhiều, thác trông xa như một chiếc khăn lụa trắng mềm mại mà mà nàng tiên nữ vì mải mê với vẻ đẹp nhân gian đã bỏ quên. Khu vực thác Nà Noọc chủ yếu là rừng nguyên sinh với thảm thực vật, động vật phong phú, không chỉ có giá trị về nghiên cứu địa chất, địa mạo mà còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, sơn thủy hữu tình, khí hậu mát mẻ quanh năm. Năm 2010, thác Nà Noọc được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh.

Cách thác Nà Noọc không xa là động Áng Toòng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh vào năm 2013. Đây là hang động tự nhiên có giá trị thẩm mỹ độc đáo. Hệ thống hang chia thành hai tầng. Tầng một chạy theo hướng Bắc - Nam, có chiều dài 120 m, chỗ hẹp, chỗ rộng, tạo thành ba động liên tiếp. Tầng hai chạy theo hướng Đông - Tây có chiều dài 350 m. Toàn tuyến hang là một hệ thống thạch nhũ đa dạng về màu sắc, phong phú về hình dáng; chỗ thì thạch nhũ có màu vàng nhạt tạo thành hình như dải lụa, như bãi nấm, chỗ thì thạch nhũ có màu vàng xen lẫn trắng được đùn ra từ các kẽ đá chảy lênh láng khắp mặt động trông như dòng sông băng tinh khiết; trên trần, các thạch nhũ chảy xuống như những bông hoa thủy tinh rực rỡ. Cả không gian động Áng Toòng như một công trình nghệ thuật hoàn hảo, đẹp đẽ đến mê đắm lòng người.

Thuộc địa phận phường Xuất Hoá còn có quần thể rừng nghiến Nà Noọc với hơn 500 cây gỗ nghiến quý, có đường kính trung bình từ 20 cm tới hơn 100 cm nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 195 ha của Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng. Với thời gian khoảng 2h đồng hồ, len lõi qua những tán cây cổ thụ có tuổi thọ hàng chục, hàng trăm tuổi, vượt qua nhiều tảng đá lớn nhỏ, bên dưới dòng nước tung bọt trắng xóa, du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn không khí trong lành và mát mẻ của thiên nhiên hoang sơ trong Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng. Sau quảng thời gian trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn trên thuyền dạo quanh hồ thủy điện Thác Giềng với diện tích mặt nước hơn 50 ha, vừa nghe hát then, đàn tính, du khách vừa thưởng thức ẩm thực như cá nướng, gà nướng, măng rừng, nhiều loại rau sống là rau rừng, rượu men lá uống bằng chén làm từ ống nứa, cơm lam...

Giải pháp để phát triển du lịch

Để phát huy tối đa các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh, đồng thời tạo thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thành phố đang định hướng phát triển các loại hình du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm tại phường Xuất Hóa.

Qua khảo sát thực tế tại các điểm thắng cảnh tại phường Xuất Hóa, thành phố đang tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho tổ chức các tour, tuyến du lịch; các hoạt động khám phá, trải nghiệm gắn với hồ thuỷ điện Thác Giềng. Cụ thể, tổ chức thành tour với thời gian 2 ngày 1 đêm, gồm: Điểm bắt đầu chuyến tham quan khám phá có thể xuất phát từ quần thể rừng nghiến Nà Noọc, tiếp đó, du khách khám phá động Áng Toòng, tham quan thác Nà Noọc, rồi ngược dòng sông Cầu khám phá lòng hồ thủy điện Thác Giềng và thác Vằng Loỏng…

Để thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch, thành phố xác định phải huy động các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, Hiệp hội Du lịch cùng tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm tham quan như: Xây dựng điểm dừng chân, bãi đỗ xe, dịch vụ nhà hàng, bến thuyền; tạo các con đường đi bộ tham quan, trải nghiệm; xây dựng cửa hàng bán đồ lưu niệm, công trình vui chơi, giải trí…

Cùng với đó vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch như thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính; nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ du lịch và chế biến các món ăn đâm nét văn hoá dân tộc địa phương để đáp ứng nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi của du khách khi đến với các điểm tham quan, du lịch.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, trong đó tập trung xây dựng chuyên mục, bài viết, hình ảnh, phóng sự giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng về điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm tại hồ thuỷ điện Thác Giềng; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, fangage... Tích cực cung cấp thông tin về các tour liên kết với điểm du lịch cho các công ty, đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn Nguyễn Thị Huế cho biết, thành phố đang mở cửa đón các nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch. Trên địa bàn có nhiều điểm có thể làm du lịch với quy mô khác nhau. Đối với khu vực phường Xuất Hóa, thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm lập dự án du lịch sinh thái./.

Thu Cúc