PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2030
Phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 3/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Hồ Ba Bể

Khu du lịch Ba Bể thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sự phong phú về hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Nơi đây có Vườn Quốc gia Ba Bể - di sản thiên nhiên của ASEAN, khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1.938 của thế giới. Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt nhất của thế giới, là "viên ngọc xanh của nhân loại”.

Vùng hồ Ba Bể còn có nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc độc đáo của người dân tộc thiểu số như các lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng cùng với nhiều tài nguyên du lịch có giá trị như các hồ nước, suối, thác, hang động, di tích, khu cảnh quan nông nghiệp và những bản làng giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên.

Vị trí của Khu du lịch Ba Bể cũng rất thuận lợi trong việc kết nối tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh như khu di tích lịch sử ATK, huyện Chợ Đồn; di tích lịch sử Nà Tu, huyện Bạch Thông; các điểm du lịch của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; khu di tích lịch sử Pác Bó và thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng…

Với tiềm năng tài nguyên du lịch sẵn có và vị trí đặc biệt, Khu du lịch Ba Bể được xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn, vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch và dịch vụ, hình thành hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí, thể thao và các cơ sở dịch vụ đồng bộ khác hướng tới các tiêu chuẩn của khu du lịch quốc gia.

Tuy nhiên đến nay, Khu du lịch Ba Bể vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết như tiêu chí và chỉ tiêu phát triển khu du lịch chưa cao, sự quan tâm từ khách du lịch và nhà đầu tư đối với việc phát triển du lịch Ba Bể còn nhiều hạn chế, lượng khách du lịch chưa đạt mức mong đợi, các sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa thật sự phong phú, việc tổ chức hoạt động còn gặp khó khăn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đồng bộ, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp… Sơ bộ điểm đánh giá chất lượng Khu du lịch Ba Bể mới đạt 49/100 điểm.

Theo Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050 UBND tỉnh vừa phê duyệt ngày 6/6/2024, tỉnh Bắc Kạn xác định, phát triển du lịch Ba Bể nhưng vẫn phải bảo vệ được các yếu tố di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể, bảo vệ rừng quốc gia, môi trường và hệ sinh thái; khai thác triệt để các tài nguyên du lịch gắn với giá trị Vườn Quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, đưa Ba Bể trở thành điểm đến du lịch Việt Nam và Quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đón được 1,0 triệu lượt khách; đến năm 2035 đón được khoảng 1,35 triệu lượt khách; đến năm 2050 đón được khoảng 2 - 2,5 triệu lượt khách; đảm bảo cung cấp đầy đủ và chất lượng các cơ sở vật chất phục vụ cho du khách bao gồm khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe; mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 1 khách sạn 4 sao, 1 nhà hàng công suất trên 500 chỗ; 100% các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đảm bảo rác thải được thu gom hằng ngày; 100% các cơ sở dịch vụ được cấp nước sạch; 100% các cơ sở dịch vụ được cấp điện lưới quốc gia; 100% các điểm tham quan có bố trí nhà vệ sinh công cộng; hoàn thiện hạ tầng giao thông và viễn thông để kết nối khu du lịch với hệ thống giao thông và viễn thông quốc gia cũng như các khu vực lân cận…

Theo Đề án, UBND huyện Ba Bể sẽ thực hiện việc phát triển các sản phẩm du lịch như: Du lịch trải nghiệm thung lũng; du lịch di sản địa chất hồ Ba Bể; du lịch cộng đồng (homestay); du lịch văn hóa; du lịch thám hiểm; du lịch nghỉ dưỡng và thư giãn; du lịch mạo hiểm và thể thao; du lịch tôn giáo và tâm linh; du lịch nghệ thuật và thủ công; du lịch mua sắm và ẩm thực; du lịch hội nghị, hội thảo…

Song song với các định hướng phát triển từng sản phẩm du lịch theo tình hình thực tế, Sở Giao thông thông vận tải, UBND huyện Ba Bể triển khai việc thiết lập các tuyến du lịch nhằm kết nối các điểm đến như tuyến liên kết hồ Ba Bể với ATK Chợ Đồn (huyện Chợ Đồn), ATK Định Hóa (Thái Nguyên); tuyến du lịch chuyên đề khám phá thiên nhiên gắn với Khu bảo tồn Na Hang (Tuyên Quang) và hồ Ba Bể; tuyến du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hóa gắn với hồ Ba Bể và Lạng Sơn, Cao Bằng cùng với các tuyến du lịch trong tỉnh, tuyến du lịch nội bộ…

Cùng với đó là đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tuyến đường giao thông tiếp cận và đường giao thông nội bộ; bến, bãi đỗ xe, bến thuyền; hệ thống điện; hệ thống cấp nước sinh hoạt…

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 1.233,200 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh (dự kiến) 622,800 tỷ đồng; ngân sách huyện (dự kiến) 52,950 tỷ đồng; xã hội hóa (dự kiến) 557,450 tỷ đồng.

UBND huyện Ba Bể được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo nội dung của Đề án đã được phê duyệt./.

BH