PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sở Công Thương trả lời kiến nghị có giải pháp bình ổn giá cả thị trường
Tại Văn bản số 1166/SCT-QLTM ngày 22/8/2024, Sở Công Thương đã trả lời cử tri Nông Đức Nguyên, phố Đầu Cầu, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông về kiến nghị có giải pháp bình ổn giá cả thị trường để việc tăng lương cho cán bộ, công chức, người lao động có ý nghĩa hơn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo đó, Sở Công Thương trả lời như sau:

Tình hình giá cả thị trường trong nước và trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Trong 7 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tại tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ tăng 3,74% (thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước). Tất cả 11 nhóm hàng đều tăng giá, trong đó, nhóm hàng có mức tăng mạnh nhất là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 12,51%; nhóm nhà ở điện nước và vật liệu xây dựng tăng 12,77%. Chỉ số giá vàng bình quân cùng kỳ tăng 26,78%, chỉ số giá đôla Mỹ tăng 5,80%.

Ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, nhìn chung, giá cả hàng hóa có tăng ở một số nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và một số dịch vụ khác, tuy nhiên mức tăng nhẹ, không gây đột biến, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Trong nước, Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng…) để tham mưu các giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường đối với các mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, của tỉnh, ổn định tâm lý người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh./.

DT