Độ tương phản
Tiềm năng, lợi thế
Bắc Kạn có hệ thống sông, suối khá dày đặc và phân bố đồng đều, đầu nguồn của 4 con sông lớn vùng Đông Bắc là sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bắc Giang và sông Cầu với tổng chiều dài 313 km, lưu lượng nước lớn 105.3 m3/s và có nước quanh năm. Ngoài các con sông chính, trong tỉnh còn có hệ thống suối lớn, nhỏ khá nhiều song đa phần nhỏ và ngắn, phần lớn nằm ở thượng nguồn nên nhiều thác ghềnh… Những đặc điểm trên rất thích hợp để Bắc Kạn phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa.
Về tiềm năng điện sinh khối, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có rừng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên. Trung bình mỗi năm tỉnh trồng mới 6.250 ha rừng, tổng diện tích rừng trồng mới đạt khoảng 100.000 ha, trong đó hơn 13.000 ha rừng gỗ lớn, gần 1.000 ha rừng có chứng chỉ FSC…, tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn hiện cao nhất cả nước với 73,38%. Sản lượng khai thác gỗ trung bình hằng năm của tỉnh đạt khoảng 260.000 m3. Ngoài gỗ thì lượng phụ phẩm bao gồm vỏ cây, cành, lá, mùn cưa, dăm gỗ… từ trồng, khai thác, chế biến của Bắc Kạn cũng rất phong phú, chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 35% tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng. Đây là nguồn sinh khối rất lớn có thể tận dụng làm nguyên liệu phục vụ cho phát triển điện sinh khối tại địa phương.
Ngoài ra, Bắc Kạn được đánh giá có tiềm năng điện gió có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 2.680 MW, tiềm năng điện mặt trời và điện rác khoảng 101 MW.
Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư cơ bản hoàn thiện. Cụ thể, tỉnh có 1.808,6 km chiều dài đường dây trung thế 35 kV và 22 kV; có 1.140 trạm biến áp phân phối, với tổng dung lượng 189.185 MVA. Lưới điện hạ áp có tổng chiều dài 2.104,8 km và có tổng số 93.970 chiếc công tơ đo đếm điện năng. Lưới điện nông thôn của tỉnh cơ bản đều được thiết kế, lắp đặt đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, 100% dây bọc, cột bê tông cốt thép theo quy chuẩn; 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đều sử dụng điện lưới quốc gia...
Khai thác hiệu quả, phù hợp với quy hoạch
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 dự án thủy điện trong quy hoạch được đầu tư xây dựng hoàn thành; 2 dự án đang đầu tư xây dựng và 2 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Các dự án đưa vào vận hành đã phát điện, hoà vào mạng lưới điện quốc gia với tổng công suất hơn 10 MW, sản lượng điện thương phẩm bình quân hằng năm đạt gần 40.000 kWh, mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và đặt vấn đề xin được đầu tư xây dựng các dự án điện sinh khối, điện gió tại Bắc Kạn, như: Công ty Cổ phần Nhựa đường Dầu khí Việt Nam đề xuất đầu tư xây dựng Nhà máy điện sinh khối tại Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng; Tập đoàn T&T và Công ty Cổ phần EREX (Nhật Bản) đề xuất đầu tư xây dựng Nhà máy điện sinh khối tại huyện Chợ Mới; Công ty Cổ phần BEA POWER xin được đầu tư các công trình điện sinh khối tại huyện Na Rì, Chợ Đồn; Công ty Cổ phần năng lượng Trường Thành đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió tại huyện Ngân Sơn; Công ty JR Energy (AISA) đề xuất dự án đầu tư nhà máy điện gió tại huyện Chợ Mới; Công ty Cổ phần điện gió Thiên Long - Bắc Kạn đề xuất khảo sát Dự án Nhà máy điện gió tại huyện Chợ Mới…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình trao Bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Bắc Kạn và Công ty Cổ phần điện gió Thiên Long - Bắc Kạn
Việc đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo như thủy điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khai thác được tiềm năng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo cũng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Để tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch tương ứng với tiềm năng của tỉnh, từng bước hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu, Bắc Kạn đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, đưa vào tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII) với 21 dự án điện gió có tổng công suất 2.679 MW; 5 dự án điện sinh khối với tổng công suất 220 MW; điện mặt trời 100 MW; điện rác công suất 1,24 MW và các dự án này đều đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Sỹ Thắng, mặc dù có nhiều lợi thế và tiềm năng nhưng năng lượng tái tạo là một lĩnh vực còn khá mới. Vì vậy, tỉnh đã tập trung rà soát, xây dựng lộ trình triển khai cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực cho tiến trình thực hiện. Bắc Kạn đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp số liệu bổ sung để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, qua đó đánh giá, lựa chọn các dự án điện năng lượng tái tạo khả thi, đem lại hiệu quả cao có thể triển khai thực hiện triên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Quan điểm của tỉnh Bắc Kạn là: Thu hút đầu tư phát triển điện gió, điện sinh khối, thuỷ điện tích năng phù hợp tiềm năng, lợi thế của tỉnh và điều kiện tự nhiên về địa hình, khí hậu; nghiên cứu, phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước tại những địa điểm, khu vực phù hợp với định hướng của Quy hoạch điện VIII… Theo đó, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn đã xây dựng phương án cụ thể phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh./.
Nhà đầu tư không phải đấu giá quyền sử dụng đất khi tham gia thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị tại tổ Xây Dựng và tổ Pá Danh, thành phố Bắc Kạn (11/11/2024)
Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Công ty TNHH Napoleon Hill&Partners (26/10/2024)
Bắc Kạn tham gia chuỗi sự kiện kết nối cung cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh (03/10/2024)
Bắc Kạn tham gia chương trình giao thương hợp tác đầu tư - thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (19/09/2024)
Bắc Kạn cam kết cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, để nhà đầu tư, doanh nghiệp “đến là làm” (26/08/2024)