Độ tương phản
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen dự Diễn đàn xúc tiến dầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia.
Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Hội đồng Phát triển và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương của hai nước và đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam, Campuchia.
Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng, thách thức cũng như cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Campuchia. Qua diễn đàn, cơ quan chức năng tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh ở mỗi nước.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia cho biết đang sản xuất kinh doanh hiệu quả và có kế hoạch mở rộng đầu tư, trao đổi thương mại tại mỗi nước. Các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng về tương lai phát triển tốt đẹp của hai nước, cũng như các chính sách thúc đẩy đầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp hai nước mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan của mỗi nước tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, nhất là đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, xây dựng, hạ tầng, du lịch, dịch vụ thương mại, nhất là thương mại vùng biên... xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và với quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.
Lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam và Campuchia giải đáp các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường, chính sách thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư của mỗi nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện, trong đó hợp tác về đầu tư, thương mại không ngừng phát triển và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Đến nay, vốn đầu tư đăng ký sang Campuchia đạt trên 2,93 tỷ USD. Campuchia luôn duy trì vị trí thứ 2 trong 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
Cùng với đó, hiện Campuchia đã có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 70,12 triệu USD. Các dự án của cả hai nước đang triển khai và có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như góp phần thúc đẩy nâng tầm quan hệ hai nước.
Về hoạt động thương mại, Việt Nam hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021 và có khả năng sẽ vượt mốc 10 tỷ USD trong năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia đang được cải thiện tích cực; cảm ơn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, cá nhân Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và các Bộ, ngành của Campuchia đã quan tâm và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, trong đó có những ý kiến đã nêu ngày hôm nay, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao doanh nghiệp hai nước về những nỗ lực vượt bậc trong khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách thời gian qua, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế đạt trên 360 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Trong giai đoạn phát triển mới, tình hình thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch,… để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước; đồng thời chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; sớm rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cơ quan hữu quan, doanh nghiệp hai nước thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh cao hơn trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, thực chất cơ chế hợp tác Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia; thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận đã ký kết; tham mưu kịp thời, hiệu quả trong định hướng hợp tác cũng như xử lý hoặc phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030; khẩn trương hoàn thành Đề án “Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế”.
Thủ tướng nêu rõ: “Không chỉ kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia mà chúng ta nỗ lực nghiên cứu để xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây kết nối kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia, trong đó xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, đướng sắt kết nối liên vùng mỗi nước và liên quốc gia”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; chấp hành nghiêm pháp luật hai nước; đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng của hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Campuchia.
Thủ tướng chỉ rõ: “Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, động lực mới trong hợp tác thương mại, đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.
Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng viên giới Việt Nam-Campuchia; Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư 2020 với các thủ tục, điều kiện ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và thông thoáng cho nhà đầu tư vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam tổ chức triển khai thật tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước, đồng thời cũng mong muốn phía Campuchia có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia là tài sản vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ này đơm hoa kết trái; mỗi dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp hai nước không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần mà còn là nỗ lực đóng góp tích cực cho tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Campuchia”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng quan hệ Việt Nam - Campuchia nhất định sẽ phát triển lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho rằng, Campuchia và Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp lâu đời, dựa trên nguyên tắc tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Hợp tác song phương giữa hai nước những năm qua phát triển bền vững. Đặc biệt, ngay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hai nước đã ủng hộ lẫn nhau cả về tinh thần và trang thiết bị y tế; hai nước đều phòng, chống dịch hiệu quả và có chỉ số phục hồi sau đại dịch Covid-19 ở mức cao trên thế giới.
Những năm qua, Campuchia đã đầu tư phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư và được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và viễn thông. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen khẳng định, Campuchia khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia ngày càng nhiều hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo nhẹ...
Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đề ra các cơ chế, chính sách, tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh để thu hút đầu tư, tìm kiếm các đối tác xuất khẩu; đề ra chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kết nối với doanh nghiệp Campuchia, để cùng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen khẳng định: “Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, song quan hệ Campuchia-Việt Nam không bao giờ thay đổi; kinh tế thế giới có những khó khăn, song với sự hỗ trợ lẫn nhau, kinh tế hai nước vẫn vững vàng, khôi phục, phát triển".
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Phạm Minh Chính nghiên cứu đầu tư các tuyến giao thông, nhất là tuyến đường bộ cao tốc kết nối thủ đô Phnom Penh với Việt Nam để tạo thuận lợi trong việc giao thương, thúc đẩy thương mại, du lịch, xây dựng hành lang kinh tế phía Nam...
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, đại diện Công ty THACO Agriculture trao tượng trưng 15 xe cứu thương lưu động cho Hội Chữ thập Đỏ Campuchia.
Trước khi dự diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã tham quan trưng bày ảnh giới thiệu đất nước, con người và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Armenia bắt đầu thăm chính thức Việt Nam (18/11/2024)
Kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm 2024 đạt 1,56 tỷ USD (18/11/2024)
Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024 (17/11/2024)
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 9-15/11/2024 (16/11/2024)
Quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (16/11/2024)