PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Toàn tỉnh có 130/280 trường học đạt chuẩn quốc gia
Theo báo cáo của UBND tỉnh, triển khai hiệu quả Đề án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, toàn tỉnh đã có 130/280 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 46,42%, trong đó, bậc mầm non có 58 trường, tiểu học 39 trường, tiểu học và trung học cơ sở 15 trường, trung học cơ sở 17 trường, trung học phổ thông 1 trường.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Trường Mầm non Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2024

Để thực hiện mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình đã đề ra, hằng năm, tỉnh đã quan tâm bố trí các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo cơ cấu chi tối thiểu 20% tổng chi ngân sách. Số liệu từ báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 là 742.784 triệu đồng, trong đó, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước là 58.943 triệu đồng, nguồn xổ số kiến thiết 96.816 triệu đồng, tăng thu tiết kiệm chi cấp tỉnh 81.164 triệu đồng, ngân sách trung ương 270.413 triệu đồng, Chương trình MTQG 235.428 triệu đồng.

Cùng với việc ưu tiên bố trí từ ngân sách nhà nước, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục. Hưởng ứng Phong trào toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhiều cá nhân đã tích cực tham gia hỗ trợ các cơ sở giáo dục, vận động trẻ em trong độ tuổi đến lớp; nhiều tổ chức, cá nhân đã tặng quà, ủng hộ tiền, hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp cho các nhà trường. Từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh đã huy động được hơn 13,9 tỷ đồng tiền mặt, huy động sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất tổng giá trị gần 21,1 tỷ đồng và huy động được nhiều hiện vật để ủng hộ cho các cơ sở giáo dục và học sinh, góp phần thúc đẩy giáo dục - đào tạo phát triển.

Tuy nhiên, cũng theo UBND tỉnh, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách chi đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu, phần lớn phụ thuộc vào ngân sách do trung ương cấp, vì thế, nhiều phòng học chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quy định, phòng học bán kiên cố xuống cấp, hết niên hạn sử dụng (mầm non 22%, tiểu học 39%, trung học 18%); tỷ lệ trường có đủ phòng học bộ môn còn thấp (đạt 37%); thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu (so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng khoảng 80% đối với mầm non, khoảng 65% đối với tiểu học, khoảng 60% đối với trung học cơ sở và khoảng 45% đối với trung học phổ thông); nhiều điểm trường lẻ cấp học mầm non đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của đổi mới giáo dục...

Vì vậy, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đề án, chương trình đầu tư phát triển cho giáo dục đào tạo, tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; huy động nguồn lực từ xã hội; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành 21 trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch trong năm 2024, đảm bảo các tiêu chí hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương, của ngành Giáo dục - Đào tạo và của tỉnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025./.

BH