PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Trải nghiệm văn hóa tăng sức hút cho du lịch Bắc Kạn
Diễn ra với quy mô chưa từng có, “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024 khiến du khách không chỉ được đắm mình trong các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc mà còn choáng ngợp bởi màn biểu diễn múa bát truyền thống dân tộc Tày với sự tham gia của 1.000 nghệ nhân, diễn viên.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Màn múa bát gây ấn tượng mạnh cho khán giả

Lần đầu tiên, màn múa bát với quy mô 1.000 người đã mang đến cho người dân và du khách ấn tượng khó quên. Đây là điệu múa bắt nguồn từ lao động sản xuất, được mô phỏng theo động tác dệt vải của phụ nữ Tày xưa, được các mẹ, các chị khéo léo biến thành điệu múa truyền thống trong các dịp lễ, Tết và duy trì qua hàng trăm năm lịch sử. Những đôi tay đưa nhịp nhàng, uyển chuyển thể hiện sự duyên dáng, dịu dàng của những người phụ nữ vùng cao.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Thấy thông tin có màn múa bát nên tôi cùng gia đình đã đến đây từ buổi sáng, tranh thủ đi xem các gian hàng OCOP ở đây và cũng mua được nhiều đồ làm quà. Tôi nghe nói về múa bát từ lâu rồi nhưng hôm nay mới tận mắt chứng kiến, thực sự là rất đẹp, rất ấn tượng và tôi rất hài lòng khi đến Bắc Kạn lần này”.

Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc giao lưu cùng người dân Bắc Kạn

Sau đêm khai mạc là chuỗi các sự kiện lễ hội liên tiếp diễn ra tại 3 huyện và thành phố Bắc Kạn, trong đó phải kể đến màn trở lại của Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc với Chương trình nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Là người đi nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất khác nhau trên mọi miền Tổ quốc, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc dành nhiều tình cảm cho Bắc Kạn. “Bắc Kạn là một tỉnh còn khó khăn về kinh tế, vật chất nhưng con người nơi đây luôn nồng ấm và chân thành. Tôi cảm nhận rất rõ điều này khi tiếp xúc với người dân Bắc Kạn. Đi đến đâu cũng nhận được sự quan tâm, tình cảm của mọi người, điều này làm cho chúng tôi thấy mình cần đi nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa. Dù thời gian khám phá Bắc Kạn không nhiều nhưng cảnh sắc thiên thiên thơ mộng, hùng vĩ, đặc biệt là hồ Ba Bể để lại cho tôi những ấn tượng riêng” - Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc chia sẻ.

Hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn, tại huyện Chợ Đồn tiếp tục tổ chức Chợ đêm ATK, đây cũng là nơi tái hiện không gian văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Ngoài ra, trong dịp này, Chợ Đồn còn tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Giải vô địch bóng chuyền huyện Chợ Đồn mở rộng; Giải thể thao truyền thống tung còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, các trò chơi dân gian đánh quay, đi cà kheo; chương trình nghệ thuật đặc sắc của Nhóm Ghita Phủi Bắc Kạn; Chương trình văn nghệ chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động (1/5)…

Chợ đêm Phố Cổ Na Rì mang đậm sắc màu dân tộc

Đến với huyện Na Rì, cùng bạn bè, người thân tản bộ “Chợ đêm Phố Cổ”, thưởng thức những món ăn ngon, cảm nhận nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa, hòa mình vào buổi giao lưu sắc màu văn hóa dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn. Chợ đêm được chia thành 3 khu vực chính: Khu vực hàng hóa gồm các gian hàng ẩm thực, sản phẩm địa phương, đồ lưu niệm; khu vực dành cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân tộc; khu vực vui chơi dành cho trẻ em. Tại Chợ đêm Phố Cổ, du khách và Nhân dân được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm văn hóa, bản sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Gác lại bộn bề cuộc sống để hòa mình vào không khí náo nhiệt hiếm thấy ở nơi phố núi vốn dĩ bình yên của huyện Na Rì. Đêm đầu tiên khai mạc “Chợ đêm Phố Cổ”, đông đảo Nhân dân địa phương và du khách đã đổ về Phố Cổ, thị trấn Yến Lạc để tham dự phiên chợ đặc biệt.

Chị Đặng Thị Huyền đến từ thành phố Thái Nguyên chia sẻ, Chợ đêm Phố Cổ khá vui, thú vị. Không khí ở đây khiến chị như được quay về tuổi thơ với mùi hương của những món ăn dân dã. Chị mua được một số đồ lưu niệm và hàng đặc sản Na Rì. Tuy nhiên, quy mô chợ đêm ở đây chưa lớn, hy vọng lần sau trở lại, Chợ đêm Phố cổ sẽ phong phú hơn nữa, có thêm nhiều sự lựa chọn và giúp du khách dạo chơi lâu hơn.

Hát sli bên bờ sông Bắc Sen tại Chợ tình Xuân Dương 

Na Rì là một huyện miền núi với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, đậm nét nguyên sơ. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ được những giá trị, nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán của dân tộc. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như hát then, hát sli, hát lượn.

Hiện nay, huyện Na Rì đang chú trọng bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Theo lãnh đạo huyện Na Rì, nhu cầu khám phá của du khách tìm hiểu về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều, đây là hướng đi mang tính bền vững cho việc khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Đây là một trong những hướng đi mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Na Rì kỳ vọng phát triển bền vững.

Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn năm 2024 gắn với Chợ tình Xuân Dương khép lại thành công tốt đẹp. Trong thời gian diễn ra sự kiện, tỉnh Bắc Kạn đã đón 130.000 lượt du khách, tăng 189% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 1.120 lượt và khách nội địa đạt 128.880 lượt. Tổng doanh thu du lịch trên 61 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 700 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội, qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đưa thương hiệu du lịch tỉnh Bắc Kạn hòa cùng thương hiệu du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc đến với đông đảo du khách./.

Thu Trang