PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
“Miền di sản yêu thương” khép lại Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2024
Tối 27/8, tại sân khấu Phố đi bộ Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn), Chương trình “Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Bắc Kạn” kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2024) với chủ đề “Miền di sản yêu thương” đã chính thức khép lại Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” - Bắc Kạn 2024.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Chương trình có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phương Thị Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng - Trưởng Ban Tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; các nghệ nhân và đông đảo người dân, du khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu tại Chương trình

Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết, Bắc Kạn là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và đời sống văn hóa vô cùng phong phú, mang đậm bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn vinh dự được UNESCO vinh danh Di sản thực hành Then của người Tày Bắc Kạn trong di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn còn có 20 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những phong tục, tập quán tốt đẹp khác nhau, đan xen nhau, tạo nên một bản sắc đặc trưng vùng miền. Chính những nét đẹp riêng có này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách mỗi lần đến với Bắc Kạn.

Chương trình “Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tỉnh Bắc Kạn” là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đó, thể hiện sâu sắc mạch kết nối văn hóa của các dân tộc với nét nhân văn, giàu giá trị di sản, giàu tiềm năng, thế mạnh để phục vụ du lịch, tạo thành động lực không ngừng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Mở đầu Chương trình nghệ thuật, các nghệ nhân huyện Pác Nặm đã trình diễn di sản nghệ thuật múa Khèn của người Mông. Nghệ thuật này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015 và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Các nghệ nhân huyện Chợ Mới trình diễn di sản Lượn slương của người Tày

Lượn slương của người Tày tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Chợ Mới nói riêng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Đây là loại hình dân ca sinh hoạt phổ biến trong đời sống văn hóa từ xa xưa của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Qua phần trình diễn của các nghệ nhân huyện Chợ Mới, khán giả được hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt, lao động bình dị nhưng cũng đầy yêu thương của người dân quê miền núi.

Phần trình diễn trang phục của người Dao đỏ của các nghệ nhân huyện Ngân Sơn và Chợ Đồn; hát Sli của người Nùng được các nghệ nhân huyện Na Rì biểu diễn; trích đoạn Lễ cấp sắc của người Dao tiền qua sự thể hiện của các nghệ nhân huyện Bạch Thông; Lượn cọi của người Tày do các nghệ nhân huyện Pác Nặm thể hiện; Di sản Hát then - Đàn tính của người Tày do các nghệ nhân huyện Ba Bể biểu diễn; hát Pá Dung của người Dao được trình diễn bởi các nghệ nhân đến từ huyện Chợ Đồn đã phô diễn những bản sắc văn hoá độc đáo mang đậm màu sắc của đồng bào vùng cao Bắc Kạn.

Màn trình diễn điệu múa Bát của 200 nghệ nhân dân gian thành phố Bắc Kạn 

Khép lại Chương trình, 200 nghệ nhân dân gian của thành phố Bắc Kạn thực hành điệu múa Bát truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Tiết mục đặc sắc này nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của đông đảo người xem. Trải qua những thăng trầm lịch sử, múa Bát của người Tày Bắc Kạn đã được lưu truyền, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày qua nhiều thế hệ. Năm 2022, múa Bát của người Tày Bắc Kạn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là phần thưởng xứng đáng, là sự ghi nhận cho những nghệ nhân người Tày Bắc Kạn đã có công giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Các tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong Đợt thi đua cao điểm 75 ngày đêm lao động sáng tạo được
khen thưởng

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong Đợt thi đua cao điểm 75 ngày đêm lao động sáng tạo, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2024)./.

Thu Trang