PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn có 4 sản phẩm trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam lần thứ V (năm 2021 - 2022) trong Hành trình tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn có 4 sản phẩm gồm: Bánh coóc mò (bánh sừng bò); bánh pẻng phạ (bánh trời); miến dong Côn Minh - Na Rì; bánh ngải.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

4 sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn lọt Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật (Ảnh minh họa)

Bánh coóc mò là đặc sản có từ lâu đời của người Tày. Tiếng Tày coóc mò có nghĩa là sừng bò. Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Bánh coóc mò được làm từ loại nếp ngon nhất mà bà con vùng núi cao trồng trên nương nên hương vị của bánh rất ngon, thơm, vị ngọt, dẻo, có thể ăn no mà không thấy ngán.

Nhắc đến những món bánh đặc sản Bắc Kạn nổi tiếng thì bánh pẻng phạ chính là một đại diện tiêu biểu. Bánh pẻng phạ còn có tên gọi khác là bánh trời. Bánh có hình tròn, giống bánh trôi. Những viên bánh to bằng quả nhãn lồng. Tuy nhỏ bé song chiếc bánh hội tụ nhiều nguyên liệu và hương vị đặc trưng. Đầu tiên là vị cay nồng của rượu, sau đó đến vị ngọt của đường, vị chát nhưng rất thơm của nước chè mạn và vị béo bùi của bột nếp. Tất cả hòa quyện mang lại một cảm giác rất mới mẻ, ấn tượng, khiến du khách không thể nào quên được. Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch, bánh pẻng phạ không chỉ là món ăn truyền thống trong đời sống người Tày mà trở thành ẩm thực đặc sản phục vụ du khách khi đến với Bắc Kạn.

Sản phẩm miến dong mang nhãn hiệu miến dong Côn Minh là một đặc sản truyền thống của huyện Na Rì đã có mặt trên thị trường bấy lâu, được người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Miến dong Na Rì có hương vị đặc biệt là nhờ sử dụng nguyên liệu sạch, được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do làm từ nguyên liệu nguyên chất nên miến dong không có màu trắng trong như các loại miến khác mà sợi miến hơi đục. Bù lại, khi nấu sẽ cho sợi miến dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của củ dong.

Bánh ngải của người Tày có hương vị rất đặc biệt tưởng chừng như khó ăn mà thực sự không phải như vậy. Đó là sự kết hợp giữa thơm dẻo của bột nếp, vị mát, hơi tê tê không hề đắng của ngải cứu, dễ ăn và không ngấy; nhân đường và vừng ngọt đậm đà. Vị hăng hăng, thơm thơm rất lạ của lá ngải dung hòa cái dẻo, ngọt, thơm của nếp đường. Miếng bánh làm ta liên tưởng đến sự tươi non của đồi nương, sự hoang dã của núi rừng, như gói cả mùa xuân mát trong. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể nào quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Trước đây, loại bánh này chỉ được người Tày làm trong những dịp lễ tết quan trọng, nay với sự ưa thích của thực khách trong nước, đặc biệt là khách du lịch, món bánh này đã được làm phổ biến, trở thành quà tặng rất có ý nghĩa.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5707/UBND-VXNV chỉ đạo việc quảng bá hình ảnh món ăn đặc sản của tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh các món ăn của tỉnh được công nhận tại Quyết định 04/KLVN-TOP/2022 của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trên các kênh thông tin đại chúng, trang/cổng thông tin, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội… để đông đảo Nhân dân cũng như du khách trong và ngoài nước biết đến. Vận động, hướng dẫn người dân địa phương tiếp tục lưu giữ và phát triển các món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương để ngày càng có thêm nhiều món đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận./.

Thu Trang