PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/10/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn - Địa danh cách mạng nơi Bác Hồ từng sống và làm việc
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nhiều nơi thuộc an toàn khu Chợ Đồn, trong đó có Bản Ca, xã Bình Trung. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Bản Ca ngày nay luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nhiều nơi thuộc an toàn khu Chợ Đồn, trong đó có Bản Ca, xã Bình Trung. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Bản Ca ngày nay luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.

Địa danh cách mạng nơi Bác Hồ từng sống và làm việc

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nhiều nơi thuộc an toàn khu Chợ Đồn, trong đó có Bản Ca, xã Bình Trung. Người đã ở Bản Ca từ ngày 7/12/1947 đến cuối tháng 12/1947.

 Di tích lịch sử Bản Ca tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Ảnh internet)

 Di tích lịch sử Bản Ca tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Ảnh internet)

 

Ban đầu Người cho dựng lán trại ở đầu suối Bản Ca, sau đó cho dựng thêm một lán nữa ở đồi Khau Phay gần dân trong bản. Hai lán này cách nhau 800m, bên cạnh có lán đặt máy chữ đểin ấn và soạn thảo tài liệu, máy soạn thảo văn bản và lán của các chiến sĩ bảo vệ.

Theo người dân nơi đây kể lại, trong thời gian sống và làm việc tại đây, Người sống rất giản dị và gần gũi với nhân dân, cũng mặc áo nâu, đeo túi vải như người dân. Người làm việc có giờ giấc, sau giờ làm việc, Người thường tập thể dục và tham gia trồng rau xanh cùng cán bộ trong Phủ Chủ tịch. Người thường xuyên đến thăm các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng khác ở Chợ Đồn nhưng thỉnh thoảng mới đi ngựa còn lại là đi bộ.

Trong thời gian ở đây, Bác Hồ đã từng ra nhiều sắc lệnh, chỉ thị, thư từ như: Người kí sắc lệnh số 612/MDB ngày 7/12/1947 về việc khen thưởng các chủ tịch kiêm hành chính xã nhân kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến.

Ngày 8/12/1947, Người đã viết thư gửi giám mục Lê Hữu Từ nhân dịp lễ giáng sinh. Ngày 12/12/1947, Người viết thư gửi Chính phủ Cao Miên giải phóng (Cam-pu-chia) hoan nghênh việc thành lập Ủy ban giải phóng Việt-Miên-Lào.

Ngày 19/12/1947, Người ra lời kêu gọi đồng bào thi đua giết giặc lập công nhân ngày toàn quốc kháng chiến và kí thông tư gửi các Bộ về việc “cử các nhân viên làm việc đắc lực để khen thưởng”.

Nhân kỉ niệm 3 năm ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam, Người đã viết bài về quá trình phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân và mong muốn lực lượng vũ trang của ta không ngừng  trưởng thành về mọi mặt.

Ngày 24/12/1947, Người viết thư giửi đồng bào công giáo mong muốn đồng bào công giáo sát cánh cùng đồng bào chiến sĩ cả nước đánh đuổi thực dân xâm lược.

Ngoài ra, Người còn viết rất nhiều bài báo cổ vũ động viên đồng bào cả nước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược…

Hiện nay, chứng tích còn lại của khu vực lán Bác Hồ tại bản Ca chỉ còn lại dấu tích của nền lán cạnh cây cọ già và hai hiện vật là kiềng nấu ăn cho Người và chiếc áo dạ đen Người tặng cho gia đình cụ Bàn Văn Trai (cụ Nhuôi). Đầu năm 1990, gia đình cụ Trai đã tặng lại hai hiện vật này cho bảo tàng Bắc Thái (cũ). Hiện nay hai hiện vật này vẫn được lưu giữ tại bảo tàng Thái Nguyên.

Ngày 28/6/1996, Bản Ca đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Miền quê cách mạng nỗ lực vươn lên

Xã Bình Trung hiện có hơn 700 hộ dân, bao gồm 6 dân tộc cùng sinh sống trên 15 thôn bản. Nguồn thu nhập chính của đồng bào nơi đây chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp. Phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, tạo công ăn việc làm, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Để việc trồng rừng đạt hiệu quả cao, xã phối hợp với ngành chức năng, các đoàn thể, các tổ chức hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, động viên nhân dân tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng; mở nhiều lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây rừng, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật, nghĩa vụ và lợi ích từ rừng mang lại. Qua đó, ý thức bảo vệ, phát triển rừng của mỗi người dân từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, để người dân có vốn tham gia phát triển kinh tế từ rừng, nhất là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, xã còn chủ động nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tạo điều kiện cho người dân vay vốn.

Khai thác từ rừng trồng mang lại thu nhập cao cho người dân Thôn Bản Ca  (Ảnh: internet)
Khai thác từ rừng trồng mang lại thu nhập cao cho người dân Thôn Bản Ca (Ảnh: internet)

Với 70 hộ dân, 292 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao, thôn Bản Ca hơn chục năm về trước là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Bình Trung. Dưới sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã, phát huy thế mạnh đồi rừng, người dân địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi phù hợp. Đến nay, diện tích rừng trồng của thôn đã lên đến 420 ha với các loại cây chủ yếu là keo, quế và cây mỡ. Chỉ riêng năm 2016, toàn thôn đã có gần 06 ha cây mỡ và keo được khai thác. Hàng năm, tỷ lệ trồng rừng đạt cao, riêng năm 2016, toàn thôn trồng được 10,75 ha rừng mới, nhiều hộ có thu nhập khá từ rừng. Để có thể vận chuyển gỗ khai thác từ rừng ra tiêu thụ, người dân cũng tự mua phương tiện để vận chuyển. Toàn thôn hiện có hơn 20 xe tắc tơ phục vụ cho việc vận chuyển gỗ từ rừng khai thác. Đến nay, số hộ nghèo của thôn còn 13/70 hộ, chiếm 18,5%, bình quân lương thực đầu người là 462,3 kg/ năm… Bộ mặt thôn Bản Ca hôm nay đã có nhiều thay đổi. Dọc theo tuyến đường vào thôn, những ngôi nhà mọc lên  khang trang giữa màu xanh của núi rừng, đồng ruộng.

Phát huy truyền thống cách mạng, người dân xã Bản Ca nói riêng và xã Bình Trung vẫn đang từng ngày bám rừng, giữ rừng, đi lên phát triển kinh tế từ mảnh đất quê hương. Có thể nói, mô hình kinh tế từ rừng đã thực sự trở thành hướng phát triển bền vững cho nền kinh tế của địa phương, đưa quê hương cách mạng vươn lên ngày càng ấm no, sung túc./.

Nguyễn Nga (tổng hợp)