Độ tương phản
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa. Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1036/QĐ-UBND ngày 08/7/2013 về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2013; Quyết định số 1454/2013/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND ngày 18/8/2014 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 về việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hằng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể và hồ sơ khoa học di tích.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đến Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện thành phố, cán bộ văn hóa cơ sở; hằng năm, thực hiện việc khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di tích trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích đảm bảo đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 02 di tích Quốc gia đặc biệt; 06 di tích Quốc gia; 38 di tích cấp tỉnh. Các di tích sau khi được xếp hạng đã thành lập Ban Quản lý di tích tại cơ sở, có quy chế hoạt động cụ thể. Công tác bảo vệ, trông coi tại di tích được quan tâm; nhiều di tích đã có các bảng giới thiệu khái quát, tổ chức các lớp ngoại khóa cho học sinh tham quan, tìm hiểu…
Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018, UBND tỉnh đã giao ngành chuyên môn thực hiện việc đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi 07 di tích gồm: Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá), Nà Pậu (xã Lương Bằng), Bản Ca (xã Bình Trung) thuộc huyện Chợ Đồn; Đèo Giàng (xã Lãng Ngâm), Địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5 năm 1945 - Hoàng Phài (xã Cốc Đán) thuộc huyện Ngân Sơn; Nà Tu (xã Cẩm Giàng), Đồn Phủ Thông (thị trấn Phủ Thông) thuộc huyện Bạch Thông. Đối với các di tích còn lại, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lập dự án mới để triển khai bảo quản, tu bổ, phục hồi theo quy định.
Di tích lịch sử Nà Pậu, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn - Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1951 được đầu tư tôn tạo năm 2009
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích. Nhiều di tích đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn như: Chùa Thạch Long (xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới); Đền Thắm (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới); Đền Thác Giềng (xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới); Đồn Phủ Thông (thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông); Chùa Phố Cũ (thị trấn Ba Bể, huyện Ba Bể); Đền An Mã (Khu du lịch Ba Bể, huyện Ba Bể), góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đóng góp quan trọng cho ngân sách của địa phương và góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh; triển khai lập 18 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thực hiện Dự án khôi phục, bảo tồn Lễ hội Lồng tồng tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn và Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 291 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được kiểm kê, phân loại thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có 14 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao (xã Hữu Thác, huyện Na Rì)
Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn)
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo lộ trình từ năm 2019-2025, tập trung ưu tiên lập hồ sơ khoa học để xếp hạng 53 di tích (gồm 44 di tích lịch sử; 01 di tích lịch sử - văn hóa; 05 di tích danh lam thắng cảnh; 03 di tích khảo cổ) trên tổng số 106 di tích đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng theo Quyết định số 1036/QĐ-UBND của UBND tỉnh; đồng thời xây dựng dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân./.
Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa qua các lễ hội mùa xuân (29/02/2024)
Múa Nộc Niệc - điệu múa cần gìn giữ và phát triển (09/02/2023)
Lễ cầu mùa đầu năm mới của dân tộc Dao Tiền ở Đôn Phong (27/01/2023)
Đặc sắc Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông năm 2019 (26/02/2019)
Khai mạc Hội Xuân thành phố Bắc Kạn 2019 (13/02/2019)