PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/02/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa qua các lễ hội mùa xuân
Những ngày đầu xuân mới, khắp các bản làng trong tỉnh mở hội vui xuân, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng trù phú. Việc tổ chức các lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người Mông gắn với phát triển du lịch, huyện Pác Nặm đã tổ chức Lễ hội Mù Là hằng năm. Đến với lễ hội, sau phần lễ, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ truyền thống; tìm hiểu, khám phá những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần; thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào Mông nơi đây.

Không giấu được niềm vui khi Lễ hội Mù Là năm 2024 được tổ chức quy mô hơn mọi năm, ông Lý Văn Sỹ, du khách đến từ Tuyên Quang chia sẻ, là người con dân tộc Mông nên năm nào ông cũng tham gia Lễ hội Mù Là. Lễ hội là nơi gặp gỡ bạn bè, ăn mèn mén và xem các tiết mục múa khèn Mông rất đặc sắc, nơi đây, nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống vẫn nguyên vẹn.

Còn tại xã Nam Mẫu (Ba Bể), năm nay, Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, phần lễ diễn ra trang nghiêm với màn rước mâm cỗ, dâng cỗ của các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống đến từ 15 xã, thị trấn trên địa bàn được rước về từ đền An Mạ. Tại lễ khai mạc, lần đầu tiên đã diễn ra màn biểu diễn múa bát của 250 diễn viên quần chúng. Đây là loại hình dân vũ mô phỏng các động tác ươm tơ, dệt vải của đồng bào dân tộc Tày từ xa xưa. Loại hình dân vũ này của Bắc Kạn vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chị Bàn Thị Liệu, người dân xã Nam Mẫu chia sẻ, hòa mình vào lễ hội, được tham gia giao lưu văn nghệ, thể thao nên ai cũng vui. Qua lễ hội còn giúp mọi người hiểu hơn về bản sắc văn hóa và ý thức hơn về sự cần thiết phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sôi động và hào hứng nhất trong Lễ hội Lồng tồng Ba Bể phải kể đến các trò chơi dân gian như giã bánh giầy, khâu còn, đánh quay, nhảy bao bố... Các trò chơi dân gian không những rèn luyện sức khỏe và mang tính giải trí mà còn khuyến khích Nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh và tính sáng tạo trong lao động sản xuất.

Dịp này, du khách thập phương đến tham quan tại Khu du lịch Ba Bể cũng có thêm trải nghiệm và hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Hòa mình vào những thể thức lễ nghi của cư dân địa phương, mọi người đều có chung một niềm tin, ước nguyện về một năm mới vạn sự như ý, an khang thịnh vượng.

Phát huy các giá trị đặc sắc riêng có đã được khẳng định, sau quá trình nghiên cứu khoa học, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông năm 2024 chú trọng khôi phục phần lễ. Lần đầu tiên kể từ khi được phục dựng, huyện Bạch Thông tổ chức nghi lễ cúng giỗ đền Slấn Slảnh theo truyền thống vào chiều 19 tháng Giêng. Phần hội (ngày 20 tháng Giêng) năm nay bổ sung hoạt động thi ẩm thực nhằm quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sản truyền thống thị trấn Phủ Thông; trình diễn trang phục dân tộc với chủ đề “Va bjoóc Bạch Thông” (Hoa xứ Bạch Thông) và màn trình diễn di sản văn hóa múa bát tập thể của 136 cô gái Tày.

Mặc dù là năm đầu tiên diễn ra song Cuộc thi ẩm thực các món ăn đặc sản thị trấn Phủ Thông đã được tiến hành rất thuận lợi với sự tham gia tích cực của người dân. Mỗi đội thi đều mang đến từ 3 - 4 món ăn như lợn quay, gà bó xôi, khâu nhục, mèn mén… với sự chế biến công phu, tinh tế và sáng tạo trong cách trình bày. Đây là một trong những cách giúp đưa nét đẹp truyền thống của ẩm thực vùng cao đến với du khách muôn phương.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia lễ hội. Tôi thấy rất ấn tượng với phong tục, các giá trị văn hóa truyền thống ở đây. Những lễ hội như thế này cần được giữ gìn, phát huy để các thế hệ sau này cũng như du khách gần xa được biết đến nhiều hơn nữa”.

Trước khi tiếng trống khai hội nổi lên, lãnh đạo địa phương và người dân cùng nhau thắp hương cầu lộc. Các thôn, bản trong xã dâng lên thần núi, thần sông những mâm cỗ đủ đầy, bày tỏ lòng thành kính và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh những thửa ruộng, các cụ ông, cụ bà, du khách gần xa ngồi quây quần trao nhau chén rượu nồng, cùng tâm sự những câu chuyện xưa, chúc nhau sức khỏe, mong con cháu làm ăn phát đạt và hạnh phúc.

Lễ hội đầu xuân đem lại đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc sự vui vẻ, yên tâm, tự hào, sự hiểu biết, đoàn kết, thể hiện sự bình đẳng dân chủ trong cộng đồng. Đồng thời còn góp phần lưu giữ và truyền lại những vốn văn hóa truyền thống cho các thế hệ kế tiếp. Chính vì vậy, các lễ hội đầu xuân là truyền thống, là sự kết nối, thông qua đó, bản sắc văn hóa truyền thống được phát huy./.

Thu Trang