PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/01/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đặc sắc các lễ hội đầu năm mới
Hòa trong không khí tưng bừng, náo nức của mùa xuân mới, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều nét đặc sắc, nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi để người dân bước vào vụ sản xuất sau kỳ nghỉ tết.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đông vui Hội xuân thành phố Bắc Kạn

Các trò chơi dân gian tại Hội xuân thành phố thu hút đông đảo người dân và du khách

Sau 3 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sáng 28/1 (mùng 7 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội xuân thành phố Bắc Kạn được tổ chức trở lại, thu hút sự quan tâm, chờ đón của đông đảo người dân. Hội xuân Quý Mão năm nay diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân năm 2023 có chủ đề “Chào mùa xuân thênh thang” do các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn; nghi lễ cầu mùa, cầu năm mới bình an, may mắn...

Đặc sắc Lễ hội Lồng tồng Bản Pjoo

Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân, ngày 28/1 (tức mùng 7 tháng Giêng), xã Sơn Thành (huyện Na Rì) tổ chức Lễ hội Lồng tồng bản Pjoo mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày - Nùng ở địa phương.

Những mâm cỗ đủ đầy, bày tỏ lòng thành kính cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Trong phần lễ, tiếng trống khai hội nổi lên, các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo địa phương, Nhân dân trong xã cùng nhau thắp hương, các thôn, bản trong xã dâng lên trời đất những mâm cỗ đủ đầy, bày tỏ lòng thành kính và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Sau phần nghi thức khai hội, những hoạt động phong phú, sôi nổi đã được diễn ra, đó là màn múa kỳ lân, thi đấu bóng chuyền, tung còn, chương trình giao lưu văn nghệ với những câu sli, câu lượn, tiếng đàn tính dập dìu vang xa, những điệu múa độc đáo ca ngợi quê hương, đất nước, mùa xuân và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng; du khách thập phương như được hòa mình vào không khí xuân tươi vui, độc đáo. Đây cũng là dịp để Nhân dân các địa phương giới thiệu những nét đẹp văn hóa của quê hương, là nơi gặp gỡ, giao lưu của người dân địa phương bắt đầu cho một năm lao động sản xuất.

Hội khai xuân dân tộc Sán Chỉ xã Bộc Bố

Nhảy mặt nạ quỷ gặp các thần linh cầu cho năm mới mọi sự bình an

Hội khai xuân của dân tộc Sán Chỉ xã Bộc Bố (Pác Nặm) năm 2023 khai mạc vào ngày 30/1 (tức ngày 9 Tết Quý Mão). Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ mà ít nơi nào có được như Lễ cầu mùa, nhảy mặt nạ quỷ, thi thêu thổ cẩm... Ngoài ra, du khách còn được hòa mình cùng cảnh sắc của bản Khâu Đấng với những nếp nhà sàn truyền thống, đồi mận đang độ khoe sắc… hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị.

Nhiều lễ hội lớn chuẩn bị diễn ra

Dù lượn sẽ xuất hiện cùng Hội xuân Ba Bể

Từ ngày 9 - 11 tháng Giêng (tức ngày 30, 31 và ngày 1/2), Lễ hội Lồng tồng Ba Bể năm 2023 sẽ được tổ chức tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đây được xem là lễ hội Lồng tồng thuộc diện lớn nhất ở phía Bắc. Bên cạnh quy mô, Hội xuân Ba Bể lần này còn mang tới những nét đặc sắc mới như lần đầu tiên sẽ đưa hoạt động trải nghiệm dù lượn bay trên hồ Ba Bể; tổ chức trưng bày gian hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của địa phương tới du khách trong, ngoài tỉnh.

Ngoài ra, còn có một Lễ hội Xuân đặc sắc khác như Lễ hội Mù Là sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng. Vùng núi cao Mù Là, nơi tổ chức lễ hội này nằm ở vị trí tiếp giáp giữa 3 tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Cao Bằng, nơi có đông cộng đồng người dân tộc Mông sinh sống. Vì vậy, hoạt động của lễ hội sẽ xoay quanh các hoạt động văn hoá đặc sắc của người dân tộc Mông, cùng nhiều phần giao lưu văn hoá, văn nghệ của người dân tộc Tày, Dao…

Đặc biệt, lần đầu tiên “Hội xuân ATK Chợ Đồn” được tổ chức vào ngày 4, 5 tháng 2 tới (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng) tại sân Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện Chợ Đồn. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thể hiện được bản sắc dân tộc, mang đậm nét truyền thống của quê hương sẽ được diễn ra tại Hội xuân. Hội xuân cũng giới thiệu tới du khách thập phương về sản phẩm chè của địa phương qua không gian “Ẩm thực trà - ATK” và ra mắt cuốn sách ảnh “Đất và người vùng ATK Chợ Đồn” trong dịp này.

Ngoài các lễ hội cấp huyện, thành phố, trong những ngày tới, nhiều xã, thị trấn cũng tổ chức các lễ hội lồng tồng vui xuân. Có thể nói, các lễ hội này được ví như “bảo tàng sống” lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hoá lâu đời của Nhân dân, góp phần để mọi người, mọi nhà bước vào một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc./.

Thu Trang