PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão
Sau mưa bão, việc đảm bảo vệ sinh môi trường là việc làm vô cùng quan trọng nhằm diệt trừ mầm bệnh, không cho mầm bệnh phát tán ra môi trường.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Lực lượng vũ trang và người dân huyện Ba Bể tích cực dọn vệ sinh môi trường sau bão số 3

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, từ chiều ngày 6/9 đến sáng 10/9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Từ ngày 8/9, trên các triền sông, suối đã có lũ lớn với biên độ từ 3 - 9 m; trên sông Cầu, sông Năng, lũ đã đạt mức trên báo động cấp 3. Kèm theo mưa lớn, tình hình sạt lở đất và ngập lụt diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên địa bàn toàn tỉnh và các tuyến đường giao thông gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi, khu dân cư... Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh, ước sơ bộ tổng thiệt hại đến 11giờ ngày 11/9 là 182 tỷ đồng.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và chủ động trong việc khắc phục sau mưa bão, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các tổ chức, người dân để chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường trong công tác bảo vệ môi trường sau mưa bão. Đôn đốc, chỉ đạo việc thu gom, chôn lấp và khử trùng xác động vật theo đúng quy trình an toàn làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tránh làm phát sinh các mầm bệnh lây nhiễm cho con người. Thu gom, phân loại và xử lý rác đúng quy trình, hợp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, dọn sạch bùn, đất, rác thải tràn ngập ngay sau khi nước rút… Nước rút đến đâu, các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư làm vệ sinh nhà cửa và vệ sinh môi trường xung quanh đến đó.

Trong quá trình thực hiện khắc phục sạt lở đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành phố đôn đốc, chỉ đạo việc bố trí các khu vực đổ đất đá dư thừa theo đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; trong quá trình vận chuyển không làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của các phương tiện và sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực.

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, khai thác và chế biến khoáng sản cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải theo quy định và đưa ra các phương án xử lý khi có sự cố xảy ra để tổ chức thực hiện. Kiểm tra, rà soát các hạng mục, công trình bãi đất đá thải, hồ chứa nước, bùn thải quặng đuôi, các điểm có nguy cơ sạt lở do khai thác cát tại các con sông trên địa bàn tỉnh, khẩn trương gia cố các vị trí xung yếu, chưa đảm bảo an toàn, đồng thời kiểm tra, nạo vét các rãnh thoát nước mưa, đảm bảo không cho nước mưa chảy vào các hồ xử lý nước thải, bùn thải...

Hiện nay, cùng với việc đảm bảo vệ sinh môi trường của các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp phòng, tránh các hiện tượng nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất... kịp thời, hiệu quả. Các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, các vùng bị ảnh hưởng do bão để người dân ổn định cuộc sống./.

Hương Lan