PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Các mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ vụ mùa năm 2023 được triển khai thực hiện có hiệu quả
Vụ mùa năm 2023, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật (BVTV) và Quản lý chất lượng (QLCL) thực hiện 14 mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Vụ mùa năm 2023, xã Yên Phong thực hiện 2 mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 30 ha tại 5 thôn Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Mạng, Khuổi Xóm và Nà Tấc với 130 hộ tham gia; sử dụng giống lúa bao thai, nếp và giống J02.

Qua đánh giá, cây lúa trong thực hiện mô hình phát triển và khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt; 95% diện tích của mô hình không phải phun trừ sâu; đạt năng suất khá. Đối chứng với giống lúa bao thai, giống J02 sinh trưởng, phát triển tốt ở cả vụ mùa, cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống bao thai. Đặc biệt, giống J02 có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn hơn giống bao thai, thuận lợi cho gieo cấy cây trồng vụ đông; đầu ra dễ dàng, được giá, thu mua tại chỗ thóc hữu cơ là 12.000 đồng/kg.

Mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn

Cùng với xã Yên Phong, các mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ vụ mùa 2023 được Chi cục Trồng trọt, BVTV và QLCL thực hiện tại các xã Yên Thượng, Yên Thịnh, Yên Phong (huyện Chợ Đồn); thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn); Mỹ Phương (huyện Ba Bể); Quang Phong, Đổng Xá (huyện Na Rì) với tổng diện tích là 211 ha và 954 hộ tham gia. Các mô hình sử dụng chủ yếu giống lúa bao thai, nếp địa phương.

Để các mô hình thực hiện có hiệu quả, ngoài hỗ trợ về phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh, Chi cục Trồng trọt, BVTV và QLCL đã tổ chức được 156 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam cho 4.067 lượt nông dân thuộc các hộ trong và ngoài mô hình cùng tham gia. Cùng với đó, hướng dẫn, giám sát nông dân tham gia mô hình thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ; hướng dẫn nông dân ghi chép, lưu trữ hồ sơ, sổ nhật ký sản xuất; hỗ trợ thành lập tổ cộng đồng tự quản về an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt, BVTV và QLCL, thời tiết vụ mùa 2023 gây nhiều khó khăn, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp như đầu vụ mưa nhiều đã ảnh hưởng đến việc bón phân, rút cạn nước; giữa vụ nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, gây hại. Chi phí mua phân bón hữu cơ cao hơn chi phí mua phân bón hóa học. Đây là vụ đầu tiên thay đổi thói quen từ sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng phân hữu cơ nên một số ít bà con nông dân có tâm lý lo lắng. Tuy nhiên, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tham gia của các trưởng thôn, đa số các hộ tham gia mô hình đã tin tưởng và áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ phụ trách mô hình.

Một trong những thuận lợi của mô hình là đa số các hộ đã được tập huấn và áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI). Vì vậy, việc áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ trên nền SRI (khác biệt cơ bản là thay thế hoàn toàn phân hóa học bằng phân hữu cơ vi sinh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nếu phải phòng trừ sâu bệnh hại) đối với mô hình được chính quyền địa phương và các hộ tham gia mô hình đánh giá là đơn giản, dễ làm, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

Các mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ cây lúa khỏe, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn. Trong vụ, phát sinh một số đối tượng sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, bọ rầy, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, tuy nhiên, mật độ sâu và tỷ lệ bệnh hại thấp, đa số ruộng không phải phun trừ; một số ít diện tích phun trừ sâu cuốn lá nhỏ bằng thuốc trừ sâu sinh học (diện tích cấy giống ngắn ngày, lúa nếp).

Về hiệu quả kinh tế, các mô hình đều đạt năng suất từ 48 - 57,6 tạ/ha. Trong đó, mô hình tại xã Đổng Xá, huyện Na Rì đạt năng suất cao nhất là 57,6 tạ/ha, đem lại thu nhập 22,15 triệu đồng/ha cho bà con nông dân; các mô hình tại Yên Phong (huyện Chợ Đồn), thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn), Mỹ Phương (huyện Ba Bể) đều đạt năng suất 55 tạ/ha.

Sản xuất lúa hữu cơ trên nền kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), sử dụng toàn bộ phân hữu cơ trong sản xuất, với những biện pháp kỹ thuật như xử lý rơm rạ sau thu hoạch, rút nước giúp tiết kiệm nước tưới, … đã góp phần bảo vệ đất lúa, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Đồng thời dần chuyển đổi phương thức canh tác thông thường sang sản xuất lúa hữu cơ, sản phẩm tạo ra đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng theo yêu cầu của các thị trường.

Sản xuất lúa hữu cơ tạo ra sản phẩm đáp ứng với xu hướng tiêu dùng của thị trường hiện nay, đây là kỹ thuật sản xuất lúa đơn giản, dễ làm phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Sản xuất lúa hữu cơ sẽ giúp cải tạo và bảo vệ đất lúa, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao giá trị hạt gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Chính vì vậy, sau khi tổng kết mô hình, Chi cục Trồng trọt, BVTV và QLCL đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tham mưu UBND huyện đưa diện tích sản xuất lúa hữu cơ thành một chỉ tiêu trong xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm của huyện, sử dụng nguồn ngân sách phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, chương trình phát triển nông thôn mới, hoặc nguồn ngân sách từ các chương trình, dự án khác để duy trì và nhân rộng mô hình. Các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phương pháp để giống, phục tráng giống; vận động người dân chuyển đổi sang trồng một số giống năng suất, chất lượng cao trong cơ cấu chỉ đạo của huyện, của tỉnh và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương…./.

Hương Dịu