Độ tương phản
Nà Cáy là thôn đặc biệt khó khăn nơi sinh sống của 100% đồng bào Dao, cách trung tâm xã Cao Sơn (Bạch Thông) hơn 10 km. Được ví như nơi “thâm sơn cùng cốc” bởi địa hình hiểm trở, giao thông vô cùng khó khăn nên cuộc sống của đồng bào nơi đây gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Trong ký ức của những cán bộ xã, cán bộ huyện mỗi lần đến với Nà Cáy là hành trình gian nan, nguy hiểm. Đi xe máy lên thôn phải gồng mình giữ chắc tay lái trên con đường đất dốc cao với đá hộc lởm chởm, một bên là vực sâu, một bên là vách núi. Vì thế, dù được quan tâm đưa một số chương trình, dự án về phát triển sản xuất nhưng hiệu quả thấp bởi nỗi giao thông quá khó khăn.
Trưởng thôn Bàn Hữu Dần kể lại: “3 năm trước, khi những cây mận chín sớm trồng theo dự án ra trĩu quả, người dân ai cũng hớn hở. Tự ăn thì không hết, muốn đem bán thì không có đường nên có nhà để mận rụng gốc cây. Nhà tôi xót của lặn lội đèo mận xuống xã Mỹ Thanh bán nhưng công sức bỏ ra quá nhiều”.
Ước mong có con đường nối từ thôn ra xã Cao Sơn và xuống xã Mỹ Thanh là khát vọng cháy bỏng bao đời nay của người dân Nà Cáy. Vì thế, ngày đơn vị thi công đem máy móc, thiết bị lên thôn làm đường liên xã Cao Sơn - Mỹ Thanh dài 13,3 km, tổng giá trị gần 24 tỷ đồng, một số bà con không tin vào mắt mình, mừng vui khôn tả. Mở đường, giúp ước mơ của người già thành hiện thực, chắp cánh ước mơ cho trẻ đến trường và mở ra ước mơ xây dựng cuộc sống ấm no cho 20 hộ đồng bào Dao nơi đây.
Mới 2 năm về trước, đồng bào người Mông ở các thôn Vằng Quân, Vằng Doọc, Bản Tuốm, Bản Điếng, Pác Pậu, xã Bình Trung phải vật lộn với con đường mỗi khi trời mưa để ra trung tâm xã. Cũng vì giao thông trở ngại mà nhiều gia đình dù muốn làm kinh tế để thoát nghèo cũng khó vươn lên. Nắm bắt được sự vất vả và khát khao vươn lên của đồng bào nơi đây, từ cuối năm 2022, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn Chương trình MTQG để làm đường. Đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết từ cơ sở nên việc triển khai dự án nhận được sự đồng tình, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và đồng bào vùng cao. Cuối năm 2023, tuyến đường dài 5,7 km, mặt đường rộng 3 m, theo chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B miền núi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui cho hơn 120 hộ dân của 3 thôn.
“Có đường bê tông bà con trong thôn đi lại, vận chuyển hàng hóa ra trung tâm xã hay sang Tuyên Quang đều thuận lợi. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi rồi đây sẽ đổi khác” - ông Hoàng Văn Ba, Trưởng thôn Vằng Quân phấn khởi.
Cùng với tuyến đường trên, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn đầu tư nguồn lực hoàn thiện hạ tầng về thủy lợi, nước sạch, nhà văn hóa và phát triển các mô hình sản xuất tại xã Bình Trung. Đây là những nguồn lực rất quan trọng giúp địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Bình Trung Hoàng Văn Hỷ cho rằng, muốn giúp nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu thì hạ tầng nông thôn phải đi trước, nhất là ở địa bàn miền núi. Trong 3 năm qua, nguồn lực từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp địa phương từng bước giải quyết vấn đề trên. Không chỉ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các Chương trình MTQG còn củng cố niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Không chỉ có Bình Trung, nhiều địa phương khác của huyện Chợ Đồn được hưởng lợi và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021 đến nay, huyện Chợ Đồn đã đầu tư xây dựng 180 công trình hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí gần 53 tỷ đồng để phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Nguồn lực từ Chương trình MTQG góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện Chợ Đồn có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm, con số này đối với các thôn, tổ phố là 96%; 98,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác phù hợp; tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2023 là 13,04%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 12,5%.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Triệu Thị Thu Phương, việc triển khai các công trình cứng hóa đường đến trung tâm xã, đường liên xã thuộc Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng củng cố hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống đối với người dân vùng khó khăn. Mỗi con đường được xây dựng đã mở ra cơ hội phát triển, mở ra những khát vọng vươn lên cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh./.
Tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo (17/10/2024)
Đẩy nhanh tiến độ bàn giao 500 căn nhà cho người nghèo (09/09/2024)
Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu thiết yếu vùng dân tộc và miền núi (21/05/2024)
Giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt mục tiêu đề ra (24/04/2024)
Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin (04/04/2024)