PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/06/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Dấu ấn 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 1/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, hằng năm, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tổ chức với nhiều nội dung phong phú
(Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình vui Ngày hội cùng người dân thôn Nà Khoang, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông)

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thường trực Tỉnh ủy, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành hướng dẫn tổ chức Ngày hội triển khai tới 8 huyện, thành phố và 108 xã, phường, thị trấn đảm bảo Ngày hội được tổ chức thống nhất, trang trọng, thiết thực và hiệu quả. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, được tổ chức tại 100% các khu dân cư trong toàn tỉnh; tỷ hộ gia đình tham gia ngày hội đạt trên 90%.

Trong phần lễ của Ngày hội, các đại biểu tham dự và Nhân dân các khu dân cư ôn lại truyền thống vẻ vang qua từng chặng đường kể từ ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của công tác Mặt trận trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Phần hội được tổ chức với nhiều nội dung phong phú gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương, tạo không khí vui tươi phấn khởi, được đông đảo Nhân dân hưởng ứng.

Tại Ngày hội, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tới đông đảo quần chúng nhân dân. MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh và đưa nội dung trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số vào Ngày hội tại các khu dân cư.

Nhân dịp tổ chức Ngày hội, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tích cực phối hợp thông tin tuyên truyền đến Nhân dân nâng cao nhận thức, đồng thuận tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng

Bà con thôn Bản Nà, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm chỉnh trang đường làng ngõ xóm tổ chức Ngày hội
đại đoàn kết toàn dân

Tính gắn kết cộng đồng, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Tham gia Ngày hội, Nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết.

Nhân ngày hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản ở khu dân cư, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã thành lập được hàng trăm tổ tự quản trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Hầu hết các tổ tự quản đều duy trì hoạt động thường xuyên với những cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng khu dân cư và nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Thành viên các tổ tự quản đã tham gia đóng góp tích cực để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, hòa giải mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; duy trì tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đóng góp và giám sát xây dựng các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa tại thôn, xóm, tổ dân phố.

Trong dịp này, nhiều xã đã vận động người dân tham gia cải tạo cảnh quan môi trường sống, trồng cây xanh, hoa trước cửa nhà và hai bên đường giao thông; triển khai xây dựng đường điện thắp sáng ở vùng nông thôn. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tuyên truyền, động viên Nhân dân phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh, cải tạo vườn ao, khuôn viên hàng rào theo quy hoạch...

Việc tổ chức Ngày hội đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò chủ thể đối với việc thực hiện các nhiệm vụ cũng như sự phát triển của địa phương. Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát huy truyền thống hiếu học, phát triển sự nghiệp giáo dục; chăm lo đời sống các gia đình chính sách; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương./.

Thu Trang