PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huyện Chợ Mới triển khai thực hiện tốt chính sách giảm nghèo
Trong những năm qua, huyện Chợ Mới đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm sâu qua từng năm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XI) về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Chợ Mới đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được huyện chú trọng triển khai. Trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh, huyện Chợ Mới đã ban hành các văn bản chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để thống nhất chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trên địa bàn.

Cùng với đó, huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo và các chính sách như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, việc làm, y tế, nhà ở... để các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân biết, đồng thuận, từ đó góp phần làm tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, các chính sách giảm nghèo được huyện Chợ Mới tập trung triển khai đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tính đến hết năm 2020, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn từ chính sách tín dụng ưu đãi là trên 3.720 hộ, tổng số tiền cho vay là trên 175 tỷ đồng. Vốn vay giải quyết việc làm tăng thêm cho Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 12 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Vốn cấp mới cho người lao động vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1,35 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, các gia đình chính sách đã có thêm nguồn lực để sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm tăng thu nhập, nâng cao mức sống và từng bước thoát nghèo. Từ triển khai chính sách này, toàn huyện đã có hơn 2.340 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 179 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 378 lao động được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 45 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 6.902 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 98 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được xây dựng.

Đối với chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 200 hộ được hỗ trợ nhà ở, trong đó 119 hộ làm mới; 81 hộ được sửa chữa nhà ở. Bên cạnh đó, có 97 hộ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo ở nông thôn; 86 hộ được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết...

Người dân xã Cao Kỳ được hỗ trợ dạy nghề áp dụng vào thực tế nâng cao hiệu quả sản xuất

Chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm triển khai. Tính đến hết năm 2020, có gần 3.500 lao động được đào tạo nghề, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg với tổng số 53 lớp, 1.574 học viên. Các lớp đào tạo do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm Dịch vụ công nông nghiệp Bắc Kạn và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện gồm các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Sửa chữa máy nông nghiệp; tin học văn phòng; nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; trồng và khai thác rừng; chế biến chè, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi... Tổng số lao động được tạo việc làm mới trên địa bàn huyện là trên 3.200 lao động, đạt 121,4% kế hoạch, trong đó qua xuất khẩu lao động là 224 người, đạt 124,4% kế hoạch. Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Chính sách giải quyết việc làm đã giúp người lao động có thêm nguồn vốn, tay nghề để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng tỷ lệ sử dụng lao động ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững như Chương trình 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, truyền thông về giảm nghèo và thông tin... cũng được huyện chú trọng thực hiện. Trong đó, từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện đã đầu tư xây dựng 138 công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp; vốn sự nghiệp thực hiện duy tu bảo dưỡng 120 công trình. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng và duy tu, bảo dưỡng các công trình xây dựng cơ bản giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng lâu bền các công trình hạ tầng, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, vận hành và gắn trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư với tài sản của Nhà nước đã được đầu tư.

Đối với Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đã thực hiện 65 dự án, chủ yếu là chăn nuôi trâu sinh sản, bò sinh sản, dê sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, trồng trọt từ 12 đến 14 dự án mỗi năm. Tổng số hộ tham gia dự án là 1.636 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn cây, con giống, vật tư và những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi và trồng trọt, từng bước tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần từng bước được cải thiện.

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần qua các năm. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 25,38%, đến cuối năm 2020 giảm còn 14,73%. Qua 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 10,65%, bình quân mỗi năm giảm 2,13%. Từ kết quả trên cho thấy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình, dự án và việc lồng ghép các nguồn lực đã tác động rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Tuy nhiên, việc triển khai chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện còn một số khó khăn do nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất còn khiêm tốn so với định mức, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình còn phân bổ dàn trải, nhỏ lẻ, vì vậy hiệu quả của các công trình được duy tu bảo dưỡng chưa cao. Việc thực hiện chính sách về lao động, việc làm đã đạt được những kết quả nhất định, song tạo việc làm mới qua xuất khẩu lao động còn thấp, do khả năng ngoại ngữ hạn chế, thiếu kinh phí...

Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, huyện xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo, gắn mục tiêu giảm nghèo với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống dân cư nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 2% như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chợ Mới lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.

Hương Lan