PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huyện Ngân Sơn tập trung ngăn ngừa bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn, đến hết ngày 24/12/2020, trên địa bàn huyện đã có 08 con bò mắc bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) thuộc hai xã Hiệp Lực và Thuần Mang. Trong đó, có 01 con bê khoảng 6 tháng tuổi đã chết. Trước tình hình đó, UBND huyện đã triển khai một số giải pháp ngăn ngừa dịch, bệnh, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong những ngày vừa qua, sau khi tiếp nhận thông tin hai xã Hiệp Lực và Thuần Mang có những con bò bị ốm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, UBND thuộc hai xã tiến hành kiểm tra xác minh dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy bò chết theo quy định, đồng thời, hướng dẫn các hộ dân thực hiện cách ly gia súc ốm, theo dõi sát sao đàn bò, nếu phát hiện có bò ốm hoặc có biểu hiện bệnh VDNC, cần báo cáo ngay cho trưởng thôn, cán bộ thú y xã, chính quyền địa phương.

Đối với đàn bò hiện còn khỏe mạnh, các hộ chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng chống lại dịch, bệnh; tiến hành phun khử trùng toàn bộ chuồng trại bằng hóa chất khử trùng và thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng... Đối với những thôn đã có dịch bệnh VDNC, các hộ chăn nuôi không nên thả trâu, bò tại nơi đã xảy ra dịch, bệnh; theo dõi sát sức khỏe đàn trâu, bò.

Đối với thôn, xã chưa xuất hiện trâu, bò có biểu hiện ốm, mắc bệnh VDNC cần kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cấp xã, đồng thời triển khai phun khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi, khuyến cáo các hộ dân phun thêm hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve,… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh VDNC trên địa bàn xã Thuần Mang xảy ra từ ngày 22/12/2020, UBND huyện Ngân Sơn quyết định công bố dịch bệnh VDNC trên trâu, bò tại đây.

Theo đó, huyện Ngân Sơn xác định vùng có dịch tại thôn Khuổi Tục, xã Thuần Mang; vùng bị dịch uy hiếp gồm các xã Thượng Quan, Hiệp Lực; vùng đệm gồm các xã, thị trấn Nà Phặc, Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân.

UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương trong thời gian có dịch tạm dừng các hoạt động mua, bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với bệnh VDNC và sản phẩm của chúng ra, vào vùng dịch. Tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, khẩn trương triển khai các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh VDNC. Xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ chốt chặn tại các trục đường chính ra, vào vùng dịch để kiểm soát việc mua, bán, lưu thông trâu, bò ra, vào vùng dịch. Chủ động nguồn hóa chất, vật tư để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn huyện.

UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND xã có dịch, các xã vùng bị uy hiếp, vùng đệm có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh VDNC theo đúng quy định.

Đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò. Để giảm thiểu thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bệnh này. Ngày 02/11/2020, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 6512/UBND-NNTNMT chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò. Ngày 09/11/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị phòng, chống bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh… Huyện Ngân Sơn cũng đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC.

Cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ngành, người chăn nuôi nên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh VDNC theo khuyến cáo của Cục Thú y: Chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh; tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh, tiêm phòng cho trâu, bò, vệ sinh, tiêu độc khử trùng và tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruỗi, muỗi, côn trùng hút máu…) tại khu vực chuồng nuôi./.

Ngọc Tú