PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/01/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ chính sách phát triển kinh tế - xã hội
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 là quyết sách lớn cho phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Nhìn lại gần 3 năm cũng là nửa chặng đường của giai đoạn I, việc thực hiện quyết sách quan trọng này trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nỗ lực giải quyết nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS nghèo

Hỗ trợ téc nước cho người dân tại xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai với ưu tiên hàng đầu là giải quyết những nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tết năm nay, gia đình anh Lê Văn Tuấn ở Bản Lù, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới rất phấn khởi khi được chuyển vào ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng. Là gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương, ngôi nhà cũ trước đây dột nát, chưa có điều kiện để làm mới nhưng khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS được triển khai, khó khăn về nhà ở của anh Tuấn được nhanh chóng giải quyết.

Đây chỉ là một trong số gần 400 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình. Ngoài nhà ở, nước sạch cũng là một trong những yêu cầu bức thiết của người dân vùng DTTS. Trong hai năm 2022, 2023, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đã thực hiện 57 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản còn khó khăn về nước sạch; giao trên 18 tỷ đồng cho các địa phương mua téc, vòi dẫn nước, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, góp phần mang lại nguồn nước bảo đảm, giúp nâng cao sức khoẻ của cộng đồng.

Cùng với giải quyết nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS, Chương trình đang tích cực triển khai đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2023, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông được giao trên 2 tỷ đồng để xây mới 3 nhà văn hóa cho các thôn Cốc Thốc, Nà Ít, Nà Pái, đây đều là những thôn khó khăn chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn. Đến thời điểm này, các công trình đã cơ bản thi công xong, sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Từ nguồn vốn của Chương trình, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ tại các xã Công Bằng, Bằng Thành huyện Pác Nặm; Hiệp Lực, Thuần Mang, huyện Ngân Sơn; Quang Phong, huyện Na Rì và xã Yên Hân, huyện Chợ Mới. Hiện đã có 4 công trình thực hiện xong đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của Nhân dân.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai 6 công trình đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã cho các địa bàn khó khăn gồm đường Nông Hạ - Khe Thỉ xã Nông Hạ, Chợ Mới; đường từ Bình Trung đến xã Trung Minh, tỉnh Tuyên Quang; đường từ trung tâm xã Cốc Đán huyện Ngân Sơn đến xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; đường Nghiên Loan - Cổ Linh huyện Pác Nặm; đường Cao Sơn - Mỹ Thanh huyện Bạch Thông và công trình đường liên thôn Phiêng Giản xã Phúc Lộc - Lủng Pjầu xã Yến Dương, huyện Ba Bể. Thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, toàn tỉnh có 351 công trình thiết yếu như đường giao thông, công trình cấp điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học, thủy lợi, chợ xã được đầu tư, nâng cấp sửa chữa với kinh phí được cấp trên 490 tỷ đồng. Hiện các địa phương, đơn vị được phân bổ nguồn vốn tích cực thi công, đưa công trình vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi.

Những kết quả bước đầu

Đồng bào Dao Phiêng Phàng (Ba Bể) trồng lúa nếp Tài hữu cơ cho năng suất vượt trội

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã tích hợp 118 chính sách dân tộc trong các giai đoạn trước cùng với chính sách mới xây dựng thành 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần. Với tính bao phủ toàn diện các lĩnh vực, Chương trình đang bước đầu tạo ra thay đổi tích cực tại các địa bàn khó khăn.

Thôn Phiêng Phàng từng là thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Yến Dương, huyện Ba Bể, giao thông cách trở, đi lại khó khăn. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phiêng Phàng đã được đầu tư đường bê tông kiên cố. Có đường, cảnh bụi bặm khi trời nắng hay bùn lầy khi trời mưa chỉ còn là ký ức. Đường làng ngõ xóm khang trang, rừng cây xanh mát, phương tiện vận tải vào tận cuối thôn đã mở ra một tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây. Những năm qua, từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, người Dao Phiêng Phàng đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để phát huy thế mạnh của địa phương. Nếu như trước đây, người dân chỉ khai phá đất ruộng canh tác lúa, ngô, sắn, thu nhập không cao thì nay người Dao ở Phiêng Phàng đã biết cách làm kinh tế, du lịch. Bà con hiện tập trung phát triển nông nghiệp sạch hữu cơ với cây lúa Nếp Tài và dong riềng đỏ là chủ đạo cung cấp nguồn nguyên liệu cho hợp tác xã tại địa phương. Ngoài ra, người Dao ở Phiêng Phàng cũng tích cực tham gia mô hình trồng cây dược liệu, sản xuất các mặt hàng đan lát, thủ công mỹ nghệ… Sự thay đổi ở Phiêng Phàng góp phần quan trọng trong hành trình về đích nông thôn mới của xã Yến Dương.

Năm 2022, 2023 chính thức triển khai Chương trình, tỉnh được phân bổ trên 1.270 tỷ đồng, bao gồm hơn 700 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và gần 560 tỷ đồng vốn sự nghiệp, cùng với đó là hàng chục tỷ đồng vốn đối ứng của các địa phương. Đến nay, đã có hàng trăm công trình, dự án được đầu tư, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của người dân đang dần tháo gỡ. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng đang dần hoàn thiện. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đang tạo ra nhiều kỳ vọng cho hộ nghèo vùng DTTS.

Cùng với đó, việc phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn cũng bước đầu được cấp ngành, địa phương triển khai hiệu quả.

Bên cạnh kết quả bước đầu thì việc giải ngân nguồn vốn gắn với triển khai dự án của Chương trình trong giai đoạn đầu vẫn còn chậm. Tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt trên 86% đối với vốn đầu tư và gần 30% đối với vốn sự nghiệp. Nguyên nhân là do Chương trình lần đầu triển khai, có phạm vi rộng, liên quan tới nhiều bộ, ngành đã tạo ra khối lượng văn bản pháp lý lớn dẫn đến một số hướng dẫn, quy định của Trung ương chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thực hiện các dự án.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Triệu Thị Thu Phương cho biết, những khó khăn, vướng mắc thời gian qua đã được cơ quan chủ trì là Ban Dân tộc tỉnh tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh tháo gỡ và kiến nghị cấp trên tháo gỡ cũng như chủ động thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình ở các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã. Với sự vào cuộc và quyết tâm cao, nhiều khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đã được tháo gỡ, giải đáp. Trên cơ sở đó, hệ thống văn bản pháp lý mới đã được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành, giúp sửa đổi, bổ sung thay thế các văn bản cũ, giải quyết cơ bản vướng mắc ở các địa phương. Nhờ đó, tiến độ giải ngân và triển khai Chương trình đang được đẩy nhanh hơn song nhiệm vụ đặt ra vẫn còn rất lớn, cần sự nỗ lực lớn hơn nữa trong thời gian tới./.

Thu Trang