PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/02/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn
Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy, doanh nghiệp và lái xe vận tải khách là một trong những mục tiêu của Năm an toàn giao thông 2025 với chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hình thành thói quen, văn hóa "Đã uống rượu bia không lái xe"

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 - 14/12/2024), toàn tỉnh xảy ra 86 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người, bị thương 92 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng trên 1,5 tỷ đồng; tăng cả 3 tiêu chí so với năm 2023 về số vụ, số người bị chết và số người bị thương.

Phân tích, nhận định về nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông; trình độ, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người lái xe ô tô, lái xe mô tô còn thấp; có trường hợp hiểu biết luật giao thông nhưng vẫn cố tình vi phạm như lái xe quá tốc độ, đi không đúng phần đường quy định, không đội bảo hiếm, sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vượt đèn đỏ...

Trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 15.521 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 2,2 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 2.680 trường hợp, tạm giữ 6.240 phương tiện các loại, 5.661 giấy tờ xe.

Vì vậy, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch năm an toàn giao thông 2025 là “Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy, doanh nghiệp và lái xe vận tải khách”.

Cụ thể là xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh, chuẩn mực khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông; nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông của mỗi người dân, đặc biệt là người tham gia giao thông trọng độ tuổi lao động và học sinh, sinh viên. Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông.

Để xây dựng văn hóa giao thông, trước hết cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số với các nội dung phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, dân tộc…, tạo điều kiện để mọi người dân dễ dàng cập nhật thông tin cần biết, hiểu và chấp hành tốt quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt tới các đối tượng thuộc phạm vi quản lý các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm tạo sự chuyến biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật giao thông trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động; tiếp tục đưa công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tập thể, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về lĩnh vực giao thông, hoặc không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả và hiệu lực quản lý, điều hành trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các lực lượng, đơn vị chức năng, nhất là trong công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông, đăng ký, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép đối với người và phương tiện giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông…/.

BH