PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngân Sơn: Xây dựng vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao
Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực, huyện Ngân Sơn đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Một trong số những cây trồng chủ lực được huyện Ngân Sơn chú trọng phát triển trong thời gian qua là cây thuốc lá, với diện tích duy trì bình quân hằng năm khoảng trên 700 ha, sản lượng đạt khoảng 1.500 tấn. Tiếp đến là lúa nếp thơm “Khẩu nua lếch”, vốn là cây đặc sản của địa phương được huyện khuyến khích nhân rộng, bình quân mỗi năm trồng gần 74 ha; hồng không hạt 90 ha, hiện cho thu hoạch 49 ha; cây lê gần 34 ha, diện tích cho thu hoạch 2,1 ha; cây dẻ 69,5 ha, thu hoạch 16,6 ha. Ngoài ra, huyện còn phát triển thêm một số cây trồng mới thông qua các chương trình, dự án như: Dự án cam, quýt tại xã Thượng Ân; trồng thí điểm giống lúa thuần Japonica tại xã Lãng Ngâm…


Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa (bên trái) thăm mô hình trồng cây dẻ ván tại huyện Ngân Sơn

Để có được kết quả này, giai đoạn 2015-2020, huyện đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các xã, thị trấn đã nghiêm túc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Ngân Sơn xác định phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, huyện sẽ tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, sự phối kết hợp với các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đặc biệt là thâm canh cây trồng có giá trị kinh tế cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuyên truyền nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao; cung ứng kịp thời các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân…

Trong nhiệm kỳ này, huyện phấn đấu duy trì các vùng trọng điểm thâm canh sản xuất hàng hóa như: Trồng cây thuốc lá ở các xã phía Bắc; trồng và mở rộng vùng sản xuất lúa nếp thơm “Khẩu nua lếch” ở các xã Thượng Quan, Thuần Mang, Thượng Ân, Bằng Vân; duy trì diện tích, nâng cao chất lượng cây hồng không hạt hiện có; phát triển trồng quýt tại xã Thượng Ân; trồng rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại thị trấn Nà Phặc; phát triển trồng cây dẻ, phục tráng cây lê, cây đào tại các xã phía Bắc… Trong quá trình thực hiện, sẽ tập trung theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo, thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh bằng các giống tốt, sạch sâu bệnh; mục tiêu đặt ra là 100% diện tích phải được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Thu Cúc