PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/02/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện
Thúc đẩy tài chính toàn diện được xác định là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng và sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính toàn diện là “việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản ở đây bao gồm thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.


Người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ tài chính
(Ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Bắc Kạn chi nhánh Bắc Kạn)

Triển khai thực hiện Chiến lược, tháng 9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch, trong đó cụ thể hóa thành các chỉ tiêu cụ thể, như: “Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030”; “Ít nhất 14 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành”; “Ít nhất 10% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội)”; “Ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng”; “Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hằng năm”; “Ít nhất 40% - 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 30% - 35% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn”…

Để thực hiện các chỉ tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Ngân hàng, các tổ chức, đơn vị liên quan chủ động lồng ghép các mục tiêu về tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tài chính toàn diện để người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện; đặc biệt là chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân ở vùng sâu, vùng xa để giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, hệ thống các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt; tích cực chuyển đổi số; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, cơ sở hạ tầng cho thanh toán tiếp tục được mở rộng, toàn tỉnh đến nay có 36 ATM, 80 POS, khoảng 3.350 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR đang hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt các dịch vụ thanh toán. Theo thống kê, trong năm 2023, có 26 nghìn thẻ thanh toán được mở mới; 18 nghìn tài khoản mở bằng eKYC; khoảng 12 triệu giao dịch với giá trị khoảng 45 tỷ đồng qua kênh ATM, POS, internet và điện thoại di động; có hơn 266 nghìn tài khoản ngân hàng, trên 70% người dân trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; trả lương qua tài khoản cho 979 đơn vị, 23 nghìn cá nhân. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán của các chi nhánh ngân hàng thương mại được vận hành thông suốt, ổn định, khả năng xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn và tính bảo mật cao.

Các ngân hàng thương mại tích cực thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; tuyên truyền khách hàng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giao dịch điện tử; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 chương trình, dự án tài chính vi mô đang hoạt động (Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn; Quỹ tín dụng quay vòng Chương trình hợp tác lâm nghiệp Việt Nam - Phần Lan; Quỹ tín dụng Chương trình hợp tác lâm nghiệp Việt Nam - Phần Lan; Quỹ tiết kiệm - tín dụng huyện Na Rì; Quỹ chung sức vì cộng đồng huyện Bạch Thông; Dự án tài chính vi mô nông nghiệp tuần hoàn). Các chương trình, dự án tài chính vi mô có tổng nguồn vốn hoạt động là 80.199,7 triệu đồng, tăng 1,7% so với 31/12/2022. Nguồn tín dụng từ các chương trình, dự án tài chính vi mô đã giúp các hội viên, hộ gia đình có nhu cầu về vốn được tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần hạn chế tín dụng đen tại địa bàn nông thôn.

Cùng với đó, các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; chính sách cho vay lãi suất ưu đãi các khoản cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia và của tỉnh, đến cuối năm 2023, tổng số người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt 70,1% (khoảng 266 nghìn tài khoản ngân hàng); có 12 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; có 25/102 xã, thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính, đạt tỷ lệ 24,5%; tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 20%, 192%, 64,4%, đạt chỉ tiêu đề ra; số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động có dư nợ tại các tổ chức tín dụng là 247 doanh nghiệp, chiếm 30% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 6.347 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng dư nợ tín dụng, với khoảng 77 nghìn khách hàng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, bên cạnh một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, còn một số chỉ tiêu chưa đạt; một số chỉ tiêu chưa thống kê được chính xác do số liệu trùng lắp (tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch ngân hàng, tỷ lệ người trưởng thành gửi tiết kiệm ngân hàng…).

Thời gian tới, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tiếp tục chủ động lồng ghép nội dung, mục tiêu phát triển tài chính toàn diện vào thực hiện nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024 cũng như trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên tuyền, giáo dục về tài chính toàn diện để người dân, doanh nghiệp hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện.

Cùng với đó là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đối với các khoản chi ngân sách nhà nước và có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ, các dịch vụ công; khuyến khích doanh nghiệp trả lương cho người lao động qua tài khoản; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, nộp thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính,…; đồng thời tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn, triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp.../.

BH