PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nỗ lực xóa mù chữ ở Pác Nặm
Thời gian qua, công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm quan tâm triển khai và đã được những kết quả tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Một lớp xóa mù chữ tại xã Xuân La

Là huyện miền núi có địa hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, dân cư sống không tập trung, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về giáo dục còn hạn chế nên công tác giáo dục nói chung, xóa mù chữ nói riêng của Pác Nặm gặp nhiều khó khăn. Số người trong độ tuổi xóa mù chữ ra lớp chưa cao; việc duy trì sĩ số lớp học còn hạn chế, một số học viên không tham gia lớp học thường xuyên; tài liệu giảng dạy, học tập còn thiếu...

Đứng trước những khó khăn đó, hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác này từ sớm; mở rộng các lớp xoá mù chữ tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn; tổ chức tập huấn và cử công chức, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy Chương trình xoá mù chữ. Công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện xóa mù chữ và kiểm tra công nhận đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn xoá mù chữ được thực hiện nghiêm túc.

Để có những dữ liệu chính xác về xóa mù chữ, Phòng tiến hành điều tra, rà soát số người mù chữ, tái mù chữ; thông tin, tuyên truyền về công tác xóa mù chữ cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cập nhật chính xác dữ liệu xóa mù chữ trên hệ thống thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2024, huyện mở 37 lớp xóa mù chữ với 856 học viên tham gia. Để phù hợp với điều kiện thực tế, các lớp xóa mù chữ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, học ngay tại các điểm trường, trường tiểu học, nhà dân, nhà họp thôn... Thời gian dạy học được bố trí linh hoạt, phù hợp với cuộc sống, công việc, tập quán của học viên, có thể học vào buổi tối, trưa hoặc chiều tối.

Công tác xóa mù chữ của huyện nhận được sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và Nhân dân. Các em học sinh hỗ trợ kèm học viên, tuyên truyền, vận động học viên tham gia học tập đầy đủ. Trung tâm Học tập cộng đồng hỗ trợ điều tra, nắm bắt kịp thời nhu cầu học tập của người dân, thông tin về nội dung, địa điểm, thời gian học kịp thời đến người dân.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, Pác Nặm có 9/10 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chiếm tỷ lệ 90%. Từ khi xã Xuân La mở lớp xóa mù chữ, bà Tr.M.M (sinh năm 1965) tại thôn Lung Muổng, xã Xuân La đã đăng ký học ngay. Bà M chia sẻ, do gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên lỡ dở việc học, đến nay dù đã gần 60 tuổi nhưng bà vẫn muốn được học tập để có thể biết đọc, biết viết. Bởi chỉ khi biết đọc, biết viết mới có thể tiếp cận được với nhiều kiến thức trên sách, báo, nhất là về khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất để tự giúp gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, huyện sẽ tiếp tục vận động người mù chữ tham gia học các lớp xoá mù chữ, duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ đã đạt chuẩn mức độ 2; phấn đấu trong năm 2024, 10/10 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 90% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 từ độ tuổi 15 - 60. Năm 2025, dự kiến huyện sẽ vận động 1.700 học viên, tổ chức mở 68 lớp xóa mù chữ./.

Ngọc Tú