PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/12/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch bền vững vùng ATK Chợ Đồn
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 30/11/2023 đã xác định việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, đồng thời định hướng phát triển du lịch, hình thành các điểm, tuyến du lịch sinh thái, về nguồn hấp dẫn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm và trồng cây lưu niệm tại Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn

Trước hết là quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan các khu vực di tích Nà Pậu, Pù Cọ, Bản Ca và Nà Quân thành các điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của toàn khu vực.

Cụ thể, tại khu vực Nà Pậu, tập trung các công trình kiến trúc lớn đáp ứng vai trò là trung tâm du lịch ATK Chợ Đồn với các công trình được xây dựng mới như nhà trưng bày, khu quản lý và điều hành... có chức năng đón tiếp, tổ chức sự kiện và một số không gian cây xanh, vui chơi giải trí gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Các khu vực Pù Cọ, Bản Ca và Nà Quân, thực hiện tu bổ và phục hồi các điểm di tích, tôn tạo cảnh quan sinh thái; xây dựng một số công trình công cộng mới (tượng đài, biểu tượng, khu dịch vụ, bãi đỗ xe, sân tổ chức sự kiện...), đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách tham quan.

Tại các khu vực khác, thực hiện bảo vệ, giữ gìn cảnh quan và môi trường bao quanh di tích; xây dựng một số hạng mục công trình nhỏ để phát huy giá trị di tích như biểu tượng, nhà bia lưu niệm, sân tập trung, bãi đỗ xe nhỏ, một số quán nghỉ, điểm nghỉ chân.

Về định hướng phát triển du lịch, quy hoạch một trung tâm và hai khu vệ tinh du lịch, cụ thể là hình thành trung tâm du lịch (tại khu vực Nà Pậu) - đây sẽ là nơi đón tiếp, điều hành, tổ chức các dịch vụ du lịch thiết yếu, tổ chức lưu niệm, trưng bày, trải nghiệm văn hóa truyền thống của vùng đất ATK, khu lễ hội và sự kiện, khu lưu trú du lịch kiểu homestay.

Phân khu du lịch về nguồn (tại khu vực Pù Cọ) sẽ là nơi tìm hiểu về lịch sử quân đội, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với vùng đồng bào dân tộc tại địa phương (dân tộc Tày, Dao).

Phân khu du lịch văn hóa, sinh thái (tại khu vực Bản Ca và Nà Quân), hình thành không gian trải nghiệm, tìm hiểu về thời kỳ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo trong vùng đồng bào các dân tộc Tày, Dao; không gian trải nghiệm đời sống, sinh hoạt, lao động của đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Đáng chú ý, tại ATK Chợ Đồn xây dựng các tuyến, điểm du lịch, trong đó lấy cụm du lịch trung tâm di tích Nà Pậu là hạt nhân trong phát triển du lịch, hình thành các tuyến du lịch nội khu, nội tỉnh và ngoại tỉnh.

Với tuyến du lịch nội khu, kết nối trung tâm di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng) với các điểm di tích trong nội bộ khu di tích, đó là cụm du lịch về nguồn Đồi Pù Cọ; cụm du lịch lịch sử và du lịch cộng đồng Bản Ca - Nà Quân.

Tuyến du lịch nội tỉnh, kết nối di tích ATK Chợ Đồn với Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn); với hồ Ba Bể (huyện Ba Bể).

Đối với tuyến du lịch ngoại tỉnh, hình thành tuyến du lịch kết nối liên vùng ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - Tân Trào (Tuyên Quang) - Chợ Đồn (Bắc Kạn). Đặc biệt là tuyến du lịch kết nối Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn với các tuyến du lịch quốc gia, quốc tế qua khu vực này, kết nối tới các điểm du lịch quan trọng của khu vực và cả nước như hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Vườn Quốc gia Na Hang (Tuyên Quang); Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ); Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc); hang Pắc Bó, thác Bản Giốc (Cao Bằng)...

Cùng với phát triển các điểm, tuyến du lịch, vùng ATK Chợ Đồn sẽ tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của khu vực; phát triển sản phẩm du lịch do người dân địa phương tổ chức, quản lý theo hướng mỗi bản, mỗi điểm di tích một sản phẩm du lịch đặc trưng; tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, sinh hoạt văn nghệ dân gian và các hoạt động mang tính định kỳ khác tại di tích nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Để phát triển du lịch bền vững, trong Khu di tích sẽ phát triển đa dạng hệ thống cơ sở lưu trú như nhà nghỉ kiểu nhà sàn dân tộc, nhà nghỉ trong rừng; khuyến khích phát loại hình cơ sở lưu trú tại các hộ gia đình trong khu vực; các hình thức du lịch cộng đồng tại các bản làng người Dao (tại Bản Ca), khu dân cư quanh khu vực di tích Nà Pậu...

Xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng); di tích Bản Ca (xã Bình Trung); cụm di tích Pù Cọ (xã Nghĩa Tá); cơ sở văn hóa, thể dục thể thao (sân lễ hội, các nhà trưng bày ATK Chợ Đồn); không gian các di tích.

Đồng thời khuyến khích người dân trong vùng tham gia các hoạt động du lịch, phát triển du lịch cộng đồng; hình thành các nhóm, tổ chức cung cấp các dịch vụ và hàng hóa du lịch, các đội văn nghệ, trình diễn sinh hoạt văn hóa dân gian.../.

BH