PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phụ nữ dân tộc thiểu số Bắc Kạn tự tin làm du lịch
Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đã khéo léo tận dụng các thế mạnh tự nhiên sẵn có, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để phục vụ du khách gần xa.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

“Cà phê Nàng Bân” ở thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu (Ba Bể) có những nét rất riêng, thu hút đông đảo du khách tới khám phá, trải nghiệm. Không chỉ trang trí không gian quán bằng những gam màu đậm chất văn hóa dân tộc, Cà phê Nàng Bân còn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị như trải nghiệm dệt vải bằng khung cửi, xay ngô bằng cối đá, khâu mũ đội đầu bằng vải chàm hay đơn giản là ngồi nhâm nhi cốc cà phê và nghe các cô gái Tày hát làn điệu Then… Đây đều là ý tưởng của chị Phùng Thị Tuyền và cũng chính chị đã hiện thực hóa nó để không gian mang đậm chất văn hóa truyền thống ấy được ra đời 2 năm trước.

Chị Phùng Thị Tuyền, chủ quán Cà phê Nàng Bân chia sẻ, là người dân tộc Tày ở Ba Bể, chị muốn gìn giữ và giới thiệu đến du khách về những nét đặc trưng của dân tộc mình nên đã mở quán cà phê này. Nơi đây không chỉ in dấu về nét văn hóa dân tộc Tày mà còn tái hiện văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống tại Ba Bể.

Để gây được ấn tượng với khách hàng, những ngày cuối tuần, chị luôn mặc bộ quần áo chàm truyền thống của dân tộc Tày để bán hàng. Nếu khách có nhu cầu trải nghiệm, chụp ảnh trong trang phục dân tộc, chị Tuyền sẵn lòng phục vụ chu đáo. Do vậy, dù mới hoạt động nhưng “Cà phê Nàng Bân” đã tạo nhiều ấn tượng cho khách khi đến du lịch tại hồ Ba Bể.

Có dịp đến với thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể), chúng tôi được gặp chị Hứa Thị Thầm là người dân tộc Tày tham gia phát triển du lịch cộng đồng địa phương qua dịch vụ homestay. Dáng người nhỏ bé nhưng chị Thầm khá năng động, nhanh nhẹn và tự tin, chị sẵn sàng đi bộ, leo núi, xuyên rừng hay lái xuồng đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm vùng hồ Ba Bể.

Chị Thầm chia sẻ: “Những năm gần đây, du khách thập phương đến với hồ Ba Bể khá đông, nhận thấy nhu cầu ăn, nghỉ của du khách ngày càng cao nên tôi đã bàn với các thành viên trong gia đình đầu tư phát triển du lịch homestay. Theo đó, tôi đầu tư sửa sang lại nhà cửa trên cơ sở giữ nguyên nếp nhà sàn của dân tộc, phát triển dịch vụ ăn uống với những món đặc sản của địa phương, đồng thời xây dựng tour tham quan, trải nghiệm phong phú, đa dạng”.

Mỗi khi có du khách đến lưu trú tại homestay của gia đình, chị Thầm lại chuẩn bị những món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực của người Tày để phục vụ khách du lịch như cá hồ, thịt lợn treo gác bếp, xôi ngũ sắc… Quanh khu vực homestay, chị Thầm trang hoàng đẹp với những vườn hoa, cây cảnh xanh mát giúp cho du khách cảm thấy thư thái mỗi khi lưu trú tại gia đình. Chị Thầm cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình chị đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến lưu trú để tham quan cảnh hồ Ba Bể và trải nghiệm các hoạt động trong đời sống sinh hoạt của bà con…

Phụ nữ Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) luôn có ý thức giữ gìn văn hoá truyền thống  

Giữa thanh âm trong trẻo của núi rừng, thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) hiện lên xinh đẹp, hiền hoà bên dòng suối Nà Nghè, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Sán Chỉ với không gian văn hoá riêng biệt. Nằm ở ví trí trên cao, Khâu Đấng thơ mộng giữa mây trời bao phủ, không gian trong trẻo và những nếp nhà sàn chân phương dưới chân dãy núi hùng vĩ.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, chị Hoàng Thị Mộng, người dân tộc Sán Chỉ thôn Khâu Đấng đã học hỏi cách làm du lịch. Chị Mộng chia sẻ: “Trước đây, gia đình chỉ làm ruộng, làm nương, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay sau khi có chủ trương phát triển Khâu Đấng trở thành làng du lịch cộng đồng, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia”.

Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chị Mộng đã bắt tay vào cải tạo không gian sinh hoạt sạch sẽ khang trang để đón khách. Chị còn tham gia các lớp tập huấn về cách làm du lịch cộng đồng do cơ quan chức năng tổ chức. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ vốn quen làm nương làm ruộng giờ đã bắt đầu tìm hiểu, học tập từ những công việc quen thuộc như giao tiếp, nấu nướng, cải tạo, chỉnh trang nhà cửa và giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch lên mạng xã hội.

Không những nếp nhà sàn, trang phục truyền thống, người dân ở đây còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hoá như lễ hội đầu xuân, điệu lượn người Sán Chỉ, các nghi lễ đặc trưng, các món ăn đặc sản bánh sắn, bánh ngô, bánh Dú Đèm… Với những lợi thế về thiên nhiên, văn hoá, con người, Khâu Đấng đang là một trong những điểm du lịch cộng đồng được đầu tư, hỗ trợ phát triển. Hiện nay, giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi của Khâu Đấng đang được hoàn thiện. Các hộ dân đăng ký thực hiện kinh doanh dịch vụ homestay đang được hỗ trợ chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, hàng rào, trưng bày các vật dụng truyền thống của người Sán Chỉ. Người dân phấn khởi bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi các loại vật nuôi bản địa để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm…

“Bà con trong thôn rất phấn khởi, ai cũng sẵn sàng bắt tay vào thực hiện làm du lịch cộng đồng. Hy vọng trong thời gian tới, thôn Khâu Đấng sẽ đẹp hơn, được nhiều người biết đến và sớm đón những đoàn khách đến để cùng học thêu, bắt cá, hát lượn người Sán Chỉ” - chị Hoàng Thị Mộng tràn đầy niềm tin.

Có thể thấy, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang ngày càng mạnh dạn, tự tin trong quá trình khởi sự kinh doanh, biết tận dụng tiềm năng du lịch bản địa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển./.

Thu Trang