PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/01/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật
Thực hiện các chính sách về giáo dục đối với trẻ khuyết tật là một trong những nội dung nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành kèm theo Quyết định số 1555/QĐ-UBND ngày 12/9/2024 của UBND tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Trẻ em Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh vui Tết Trung thu

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 1.060 học sinh khuyết tật trong độ tuổi từ 0 - 18 tuổi, trong đó, học sinh khuyết tật có khả năng học tập là 711 cháu; học sinh khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục là 617 cháu, đạt tỷ lệ 86,78%.

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm, tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia tiếp cận giáo dục, các dịch vụ giáo dục, được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định, như ưu tiên nhập học trong tuyển sinh các cấp học (có thể quá 3 tuổi so với độ tuổi quy định tuyển sinh). Các trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học có khả năng đến trường, có nhu cầu học tập đều được tạo điều kiện để đi học. Số lượng các em học sinh, trẻ khuyết tật được biên chế ở mỗi lớp học không quá 2 học sinh/lớp để đảm bảo giáo viên có thời gian chăm sóc, giáo dục các em theo khả năng của mỗi học sinh; 100% học sinh khuyết tật được hưởng chính sách theo quy định như miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm các khoản đóng góp.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh khuyết tật, đặc biệt là những học sinh khuyết tật thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân về cả vật chất lẫn tinh thần, được quan tâm chia sẻ, động viên, được tặng quà trong dịp khai giảng, bế giảng, lễ tết; được hỗ trợ xe lăn, máy trợ thính, chăn màn, quần áo, giầy dép, cặp sách, sách vở, lương thực...

Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đã áp dụng các công cụ Test DenverII, PEP-R, thang đo tăng động giảm chú ý, bảng liệt kê hành vi, test Raven màu, thang đo tự kỷ, phiếu đánh giá khả năng và nhu cầu… để đánh giá khả năng và nhu cầu của học sinh; từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân và lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp như giáo dục can thiệp 1 cô - 1 trò về ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc, nhận thức, giao tiếp xã hội, tự phục vụ,… Trung bình, mỗi học sinh được can thiệp giáo dục 2 - 4 tiết/tuần. Trong quá trình giáo dục can thiệp, học sinh được áp dụng đa dạng các phương pháp khác nhau như ứng, dụng phân tích hành vi, liệu pháp ngôn ngữ, trị liệu về vận động, trị liệu kỹ năng xã hội, vật lý trị liệu, liệu pháp trò chơi, trị liệu hành vi, các liệu pháp phát triển, các liệu pháp dựa vào trực quan... Sau một thời gian giáo dục can thiệp, 100% trẻ khuyết tật đã có sự tiến bộ rõ rệt, nhiều trẻ được ra học hoà nhập tại các trường tiểu học, hòa nhập cộng đồng.

KKhông chỉ người khuyết tật, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập tham gia giáo dục người khuyết tật cũng được các cấp quản lý quan tâm, được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì, áp dụng những kết quả của Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu” (Dự án QIPEDC) tại 5 trường tiểu học và Dự án “Quyền học tập của trẻ em” (do Tổ chức ChildFund Australia tại Việt Nam tài trợ) triển khai tại một số xã của huyện Na Rì. Đồng thời, Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục, phục hồi khả năng học tập và học nghề cho học sinh, sinh viên, học viên bị tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí và mắc bệnh tâm thần. Chỉ đạo các đơn vị quan tâm, rà soát trẻ có dấu hiệu khuyết tật trên địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình có trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học, có khả năng tham gia học tập đưa trẻ khuyết tật đến trường; nâng cao tỷ lệ trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục./.

BH